Hy vọng nào cho gói kích cầu 2012?

28/11/2011 08:10 AM

(Vietstock) - Một nguồn tin không chính thức cho biết “gói giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô”, cụm từ đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên sử dụng trong buổi trả lời chất vấn Quốc hội vào ngày 25/11 vừa qua, là một khả năng có thể diễn ra cuối năm nay.

Tình thế đã quá cấp bách!

Về cơ bản, gói giải pháp này sẽ dựa trên những công cụ thuế và lãi suất. Đây cũng chính là những công cụ mà gói kích cầu năm 2009 của Chính phủ đã sử dụng như hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng, thực hiện chính sách giảm thuế. Đáng chú ý, hai công cụ này chiếm tỷ trọng khoảng 31% trong giá trị 143,000 tỷ đồng của gói kích cầu 2009.

Ngoài ra, gói kích cầu năm 2009 còn bao gồm những nội dung khác như tạm thu hồi vốn đầu tư xây dựng cơ bản ứng trước, ứng trước ngân sách nhà nước để thực hiện một số dự án cấp bách, phát hành thêm trái phiếu chính phủ, tăng thêm dư nợ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp…

Từ đầu tháng 8/2011, một nghị quyết của Quốc hội đã đề cập đến việc miễn giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2011 và 2012. Vào đầu tháng 11/2011, Chính phủ cũng có một nghị định cụ thể hóa nghị quyết đó. Nội dung này lại khá tương đồng với nội dung miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nghị quyết số 30 của Chính phủ vào tháng 12/2008.

Như vậy, đã có hy vọng không nhỏ cho nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn vay giá rẻ trong năm 2012, thậm chí có thể ngay vào những ngày cuối năm 2011. Tình hình này được xem là quá cấp bách, nếu Chính phủ không có giải pháp tháo gỡ kịp thời thì con số 49,000 doanh nghiệp chịu cảnh phá sản vào giữa năm nay - gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái - chắc chắn sẽ không dừng lại.

Chưa bao giờ lượng tồn ứ thành phẩm tại nhiều lĩnh vực, ngành lại tăng cao như thời gian vừa qua. Ở Việt Nam hiện vẫn chưa có chỉ số sức mua (PMI) cho ngành sản xuất. Nhưng một hiện tượng rất đáng lưu tâm là ngay cả nền kinh tế Trung Quốc, theo đánh giá của giáo sư Lang Hàm Bình của Đại học Trung Văn (Hồng Kông), từ tháng 7/2011 vừa qua đã lâm vào tình trạng suy thoái với chỉ số PMI tụt dưới mức 50 điểm.

Từ đầu năm 2011 đến nay, cùng với tỷ lệ lạm phát tăng vọt đến 17%, nhiều ngành sản xuất như dệt may, da giày, chế biến, thép… cũng rơi vào tình cảnh đình đốn, sản xuất cầm chừng trong khi sản phẩm khó tìm được thị trường tiêu thụ. Hoàn cảnh này trở nên khá dễ hiểu khi bản thân các thị trường châu Âu cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công, còn chỉ số xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm đến một nửa so với hồi đầu năm nay.

Hệ số sử dụng công suất đạt 70-80% trở nên một chỉ tiêu xa xỉ trong thực trạng nhiều doanh nghiệp. Với phần lớn doanh nghiệp, việc duy trì hệ số này ở mức 50-60%, đủ tiền trả lương cho công nhân và lãi ngân hàng đã là một thành công. Trong khi đó, khoảng 30% doanh nghiệp bên bờ vực phá sản khi hệ số sử dụng công suất chỉ đạt 10-20% và thậm chí không đủ tiền để trả lãi vay, cũng như thanh toán dù chỉ một phần nhỏ vốn vay ngắn hạn cho ngân hàng.

Cấm vàng miếng - giải cứu doanh nghiệp!

Do vậy, có thể hiểu đơn giản là không còn cách nào khác, Chính phủ sẽ bắt buộc phải đưa ra một số giải pháp cấp bách và hợp lý để cứu doanh nghiệp. Khác với động thái “giải cứu” mà người ta thường đề cập đến các thị trường có tính đầu cơ cao như thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, việc giải cứu doanh nghiệp là hoàn toàn hợp tình khi đồng thời cứu vãn tình thế tiêu thụ sản phẩm cũng như hạn chế tình trạng không được quay vòng, không sinh lời của đồng tiền.

Một trong những lĩnh vực thể hiện tính đầu cơ cao nhất của đồng tiền là thị trường vàng. Tuy chưa có con số thống kê chính thức, nhưng nhiều chuyên gia đã nhận xét chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ vàng được biến thành tiền đưa vào lưu thông trong sản xuất, trong khi phần lớn lại chỉ phục vụ cho việc “đánh lên đánh xuống”.

Cũng bởi thế, đã xuất hiện quan điểm rất dứt khoát trong giới chuyên gia, kể cả chuyên gia là thành viên của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ của Chính phủ, cho rằng cần dứt khoát cấm kinh doanh vàng miếng.

Vào đầu tháng 12 này, thị trường vàng miếng sẽ phải đối diện với một phép thử khắc nghiệt: Nghị định về quản lý kinh doanh vàng có thể bắt đầu có hiệu lực. Bản nghị định mà phần dự thảo của nó có phần gây tranh cãi xung quanh vấn đề độc quyền của Công ty SJC, cho tới nay đã có thêm một sự thay đổi nữa về việc thương hiệu SJC có thể được chuyển thành thương hiệu SBV, tức thương hiệu thuộc Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

Thái độ của thống đốc Ngân hàng nhà nước là hoàn toàn tự tin. Lần đầu tiên bị các đại biểu Quốc hội “soi”, ông Nguyễn Văn Bình đã đưa ra một cơ cấu bao gồm các tỷ trọng ngân hàng được xếp từ mức độ rủi ro thấp đến cao, đủ để thuyết minh cho cái nhìn tổng quát. Tất nhiên, tái cấu trúc ngân hàng đòi hỏi thời gian ít nhất cũng hàng năm trời, nhưng những tiền đề nêu ra ngay hiện nay cũng không quá hời hợt về mặt lượng.

Giảm lãi suất và hỗ trợ lãi suất - những việc cần làm ngay

Nhưng thái độ tự tin của ông Nguyễn Văn Bình còn bộc lộ qua đánh giá của ông về vấn đề lãi suất. Trước ông, dường như chưa có vị thống đốc nào tỏ ra chủ động khi khẳng định “chỉ cần CPI giảm dưới 1% thì sẽ có cơ sở để thực hiện giảm ngay lãi suất”.

Mà giảm lãi suất lại là một trong những hạng mục chốt yếu của gói kích cầu. Làm thế nào để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay giá rẻ nếu không hạ lãi suất cho vay về vùng 15-16%? Làm thế nào để các doanh nghiệp xuất khẩu và nông nghiệp có được khả năng cạnh tranh nếu không cung cấp tín dụng qua việc hỗ trợ lãi suất cho vay ở mức thấp? Trong gói kích cầu năm 2009, mức hỗ trợ lãi suất cho vay chỉ có 4%. Trong tình hình hiện nay, khó có thể kỳ vọng tái hiện mức lãi suất ấy, nhưng tỷ lệ khoảng 6-7% cũng không đến nỗi quá tệ.

Một khi đã xác định phải kéo giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, đương nhiên phải tính đến việc hạ tiếp mặt bằng lãi sất huy động. Vào năm 2007, lãi suất huy động chỉ khoảng 8-9% nhưng người dân vẫn chấp nhận được. Khi đó, với lãi suất cho vay 11-12%, các doanh nghiệp đã không chỉ tồn tại mà còn có khả năng tự tạo dựng cuộc sống cho riêng mình.

Với khối công việc đồ sộ mà Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, kể cả Bộ Xây dựng, Bộ Công an , Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… trong nghị quyết tháng 10/2011, có thể thấy tháng 11 này là thời điểm hội tụ khá nhiều dự thảo chính sách. Trong đó, những dự thảo quan trọng nhất có thể được Thủ tướng ký ban hành ngay đầu tháng 12/2011.

Nền kinh tế Việt Nam đang ở vào thời gian của tháng thứ hai liên tiếp chỉ số CPI dao động dưới mức 0.5% - một điều kiện lý tưởng để hạ dần lãi suất. Chúng ta cũng đang ở vào thời điểm mà Ngân hàng thế giới, lần đầu tiên từ đầu năm 2011 đến nay, đưa ra dự báo khả quan cho nền kinh tế Việt Nam, ít ra cũng liên quan đến chỉ số lạm phát chỉ vào khoảng 10.5% cho năm 2012. Dự báo này sẽ trở nên quan trọng đến thế nào nếu so sánh với những khuyến cáo của IMF chỉ cách đây có hơn hai tháng về việc Việt Nam tránh nới lỏng tiền tệ quá sớm.

Giờ đây, khi hệ thống lại những diễn biến của tháng 11/2011, có thể nhận ra không phải ngẫu nhiên mà trong một cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tỏ ra tự tin khi đưa ra lời hứa về việc chính phủ sẽ hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp. Từ động thái này, các doanh nghiệp có thể hy vọng không bao lâu nữa, mặt bằng lãi suất huy động và do đó cả lãi suất cho vay sẽ được kéo giảm thêm ít ra 2% nữa. Khi đó, dòng vốn bắt đầu được khơi thông, cũng là cứu nguy cho lượng vốn tồn ứ của rất nhiều ngân hàng cho đến thời điểm hiện nay.

Còn các thị trường?

Thế còn các thị trường thì sẽ nhận được gì?

Tuy không được đề cập trực tiếp và rõ ràng như chủ đề lãi suất, nhưng khi chính Thủ tướng đã nhắc đến việc “sẽ có giải pháp giúp phục hồi thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản”, thì chúng ta có thể hiểu là động thái này có ý nghĩa như thế nào, bởi đây là lần đầu tiên Thủ tướng công khai về chuyện phục hồi cho những thị trường đó, khác hẳn với thái độ hết sức kín kẽ vào thời gian quý 1 và quý 2/2011.

Sau kỳ họp Quốc hội, sẽ đến phiên họp thường kỳ vào cuối tháng 11/2011 của Chính phủ. Nền kinh tế, các doanh nghiệp và cả hai thị trường chứng khoán lẫn thị trường bất động sản đều nên trông chờ vào phiên họp “bất thường” này.

Hạ Xuyên

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,841

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079