Chưa chấp thuận tố cáo bằng Facebook, email…

10/03/2017 09:07 AM

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung các hình thức tố cáo bằng fax, email, điện thoại... để tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tố cáo, qua đó giúp kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm

Ngày 9-3, Ủy ban Pháp luật (UBPL) của Quốc hội đã họp phiên toàn thể cho ý kiến về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố cáo.

Không xác minh nổi tố cáo nặc danh

Tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết về hình thức tố cáo, hiện có 2 luồng ý kiến khác nhau. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng để tránh tình trạng lợi dụng tố cáo tràn lan, tố cáo sai sự thật... nên dự luật chỉ quy định 2 hình thức tố cáo là bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Luồng ý kiến thứ hai đề nghị dự luật cần quy định bổ sung các hình thức tố cáo khác như bằng fax, email, điện thoại... “Tuy nhiên, Chính phủ theo luồng ý kiến thứ nhất” - ông Sáu nói.

Theo ông Sáu, về tố cáo nặc danh cũng có 2 nhóm ý kiến. Thứ nhất, quy định của Đảng và Luật Tố cáo hiện hành chưa chấp nhận xem xét, giải quyết đơn tố cáo không rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo. Thứ hai, đề nghị quy định trường hợp người tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ của mình để tránh bị trả thù, trù dập.

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu trình bày dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố cáo vào sáng 9-3 Ảnh: NGUYỄN NAM

Trong những năm qua, các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh do không đủ nhân lực, thời gian, công sức... Do đó, dự thảo luật chưa quy định về việc giải quyết tố cáo nặc danh.

Ngược với phía cơ quan soạn thảo, Phó Chủ nhiệm UBPL Phạm Trí Thức lại thông tin nhiều ý kiến trong thường trực UBPL đề nghị bổ sung các hình thức tố cáo khác như tố cáo bằng fax, email, điện thoại để tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tố cáo, qua đó giúp kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. “Thực tế nhiều nơi, nhiều bộ - ngành đã có đường dây nóng, nhiều vụ tham nhũng được phát hiện nhờ các hình thức tố cáo này. Luật Phòng chống tham nhũng cũng quy định tạo điều kiện cho người dân tố cáo” - ông Thức lập luận.

“Luật Phòng chống tham nhũng nêu rõ tố cáo không chỉ bằng đơn thư, lời nói mà còn có nhiều hình thức khác. Đồng thời, Bộ Luật Hình sự cũng khẳng định tin báo tố giác tội phạm có thể bằng lời hoặc văn bản chứ không cần đơn từ. Hay tố giác kiến nghị có thể gửi qua bưu điện, điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác thì cũng phải tiếp nhận” - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền dẫn chứng.

Ai bảo vệ người tố cáo?

Về dự luật chưa quy định tố cáo nặc danh, ông Phạm Trí Thức khẳng định: “Nhiều ý kiến cho rằng trong thời gian qua, nhiều nội dung tố cáo qua điện thoại khá chính xác, trong khi việc bảo vệ người tố cáo chưa có cơ chế hữu hiệu. Do đó, nên quy định tố cáo nặc danh”.

Bày tỏ sự “chưa vui hoàn toàn” khi dự thảo luật chỉ “dừng ở mức luật khung, còn chi tiết lại ở luật khác”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương băn khoăn với quy định “thủ trưởng cơ quan cần có biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo”. “Ví dụ, tôi tố cáo ông thủ trưởng, thủ trưởng không hại tôi thì thôi chứ yêu cầu cử người bảo vệ tôi thì quá mơ hồ. Phải có lực lượng chuyên trách chứ “bảo vệ trong cơ quan” thì không khả thi” - ông Cương nói.

Trước việc không công nhận tố cáo nặc danh, ông Nguyễn Sỹ Cương cho rằng bản chất tố cáo nặc danh là vì sợ bị trù dập trong khi chưa có cơ chế hữu hiệu bảo vệ người tố cáo. Rồi quy định “kênh quan trọng là báo chí” thì cụ thể là gì? Ông Cương phân tích khi báo chí nêu vụ việc, các cơ quan Đảng vào cuộc và phát hiện sai phạm. Vậy coi báo chí là nặc danh hay có danh? “Như vụ Trịnh Xuân Thanh là điển hình, nhiều cơ quan thanh kiểm tra nói không có gì nhưng về sau kiểm tra lại thấy sai phạm quá nặng. Vậy trách nhiệm giải quyết như thế nào?” - ông Cương đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Sỹ Cương đề nghị dự luật quy định rõ kết luận thanh tra, kiểm tra phải gửi cho người tố cáo để họ biết đúng hay sai chứ không nên dừng ở quy định “người tố cáo có yêu cầu thì mới gửi”.

Phạt tiền vi phạm hoạt động đối ngoại    

Cùng ngày, UBPL cũng họp cho ý kiến về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đối ngoại. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động đối ngoại là 30 triệu đồng để có cơ sở xây dựng Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đối ngoại.

Bảo Trân

Theo Người lao động

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,927

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079