Theo thống kê tại cuộc họp được Bộ Lao động - thương binh và xã hội tổ chức ngày 18-3 bàn về giải pháp ngăn chặn xâm hại trẻ em, hiện có tới 7 đạo luật gồm Hiến pháp 2013, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật phòng chống mua bán người, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật hôn nhân và gia đình và đặc biệt có Luật trẻ em năm 2016; cùng 12 quyết định, thông tư, chỉ thị để bảo vệ trẻ em khỏi bị bạo lực và xâm hại.
Tuy nhiên, quy định trong gần 20 luật và quyết định, thông tư này chưa rõ thế nào là xâm hại, là dâm ô trẻ em, nên vẫn có nhiều tội phạm bị bỏ lọt, nhiều vụ xâm hại trẻ bị chậm xử lý.
Theo thông tin từ C45, Bộ Công an, thống kê trong 3 năm gần đây, số vụ xâm hại tình dục trẻ em có giảm về số vụ (năm 2014 là 1.544 vụ, 2015 là 1.360 vụ, năm 2016 là 1.248 vụ) nhưng lại tăng về tính phức tạp.
Đại diện C45 cho hay 6-7 vụ xâm hại trẻ em đang nóng gần đây như vụ xảy ra tại Phú Thọ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ Đức (TP.HCM), Hoàng Mai (Hà Nội), Cà Mau… cơ quan công an đều đã vào cuộc và sẽ khởi tố vụ án.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tùng (Tòa án nhân dân tối cao) cho rằng nhiều vụ xử lý chậm, nhiều vụ việc trái nguyên tắc của luật (gia đình nạn nhân không muốn là không xử lý).
“Số vụ xâm hại trẻ em trên thực tế nhiều hơn so với số vụ được xử lý. Trong nhiều vụ dâm ô trẻ em đòi hỏi chứng cứ là tinh trùng của nghi phạm là hoàn toàn không thể" - ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, việc giáo dục cho trẻ biết thế nào là xâm hại làm chưa tốt. Điều tra viên là nam trong khi các cháu gái bé e ngại khi cung cấp lời khai, không có cán bộ xã hội hỗ trợ khiến công tác thu thập lời khai, chứng cứ không được hiệu quả.
“Những vụ việc tương tự ở nước ngoài đều có cán bộ hỗ trợ trẻ” - ông Tùng cho biết.
Theo thống kê mới nhất năm 2016, trong tổng số 1.248 vụ xâm hại tình dục trẻ em, có 415 vụ hiếp dâm trẻ em, 9 vụ cưỡng dâm, 599 vụ giao cấu với trẻ em, 188 vụ dâm ô trẻ em.
Những địa phương xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em như An Giang, Đồng Nai, Kiên Giang, Tây Ninh…
Lan Anh
Theo Tuổi trẻ