Đề xuất bỏ “Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng”

10/05/2017 08:33 AM

Sáng 9/5, tại Hà Nội, Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA) đã tổ chức tọa đàm về đề xuất xây dựng Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia. Tại đây, có rất nhiều vấn đề phản biện được đặt ra, trong đó hầu hết các đại biểu đều không đồng tình điều khoản đóng góp bắt buộc cho Quỹ phòng, chống tác hại của rượu bia.

Thêm một bộ luật có thực sự cần thiết?

Sở dĩ phải đặt câu hỏi này bởi, theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay có đến 85 văn bản từ Thông tư của Bộ trưởng đến Luật của Quốc hội có các quy định liên quan đến quản lý sản xuất và kinh doanh rượu, bia. Trong đó có 10 luật, 01 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 28 Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, 8 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 38 Quyết định, Chỉ thị, Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA nhận định, như vậy, có thể nói sản xuất, kinh doanh rượu, bia là một trong những lĩnh vực có khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh (có lẽ chỉ sau lĩnh vực đất đai). Thực tế những văn bản quy phạm pháp luật trên đã trực tiếp hoặc gián tiếp quy định các nội dung liên quan đến phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn như hạn chế quảng cáo rượu, hạn chế tiếp cận rượu, bia…

Nên tập trung quản lý từ khâu đầu vào những loại rượu bia sản xuất thủ công, trái phép gây ngộ độc thay vì tăng các loại thuế phí lên đầu doanh nghiệp như hiện nay

Do đó, để đề xuất xây dựng một luật mới cần có báo cáo đánh giá một cách chi tiết kết quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật này để xác định những mặt hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế đó. Một câu hỏi đặt ra là: Tại sao có nhiều văn bản quy phạm pháp luật như vậy mà chưa quản lý tốt việc sản xuất, kinh doanh rượu, bia như ý kiến của cơ quan đề xuất. Phải chăng các quy định pháp luật đó chưa đi vào được thực tế cuộc sống? Nếu có thể khắc phục được các hạn chế đó thì có cần thiết phải ban hành một đạo luật mới hay không?

Có nên thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng?

Trong Dự án Luật “Phòng, chống tác hại của rượu, bia”, tại điều 16, 17, 18 có quy định: “Cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu bia nộp một khoản đóng góp bắt buộc để chi cho các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng”. Khoản đóng góp này “được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình: 1% từ ngày luật này có hiệu lực; 1,5% từ 1/1/2023 và 2% từ 1/1/2026”.

Điều khoản này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía các doanh nghiệp sản xuất, cũng như các bên liên quan. Cụ thể, VBA cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu rượu, bia đã phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất 60% và sẽ tăng lên 65% từ ngày 1/1/2018. Trước tình hình khó khăn trong và ngoài nước tác động đến phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngày 16/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó có nội dung giảm chi phí, các phí, lệ phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Do đó, việc bắt buộc phải đóng 1-2% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nếu luật được Quốc hội thông qua ban hành trong đó có Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng với mức thu bắt buộc (1-2%) trên giá trị tính thuế tiêu thụ đặc biệt, thì ngay từ năm đầu luật có hiệu lực, tổng nguồn thu đã trên 1.000 tỷ đồng (Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá và Quỹ Phòng, chống tác hại rượu, bia) là rất lớn, bắt buộc phải phát sinh chi phí, thời gian, bộ máy quản lý, nhân lực tăng, quy mô tổ chức của quỹ lớn... chưa phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ trong giai đoạn hiện nay là: tái cơ cấu bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu quả, giảm biên chế, không phát sinh tổ chức, cơ quan bộ máy mới.

Đại diện đến từ Heineken cho rằng, việc Quỹ Nâng cao sức khỏe cộng đồng được xây dựng trong luật lại được gộp chung với Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá hiện hành, đồng thời chỉ sử dụng 25% tổng kinh phí của quỹ thực hiện chương trình về đồ uống có cồn là không hợp lý. Thực tế, nhiều năm gần đây, chính bản thân Heineken đã làm công tác tuyên truyền này rất tốt, trích từ chính doanh thu của công ty. Các chương trình này đã góp phần tích cực trong việc thay đổi hành vi người tiêu dùng sử dụng rượu, bia có trách nhiệm. Việc ra đời của quỹ sẽ ngăn cản những chương trình này và thay bằng chương trình ít hiệu quả hơn từ các tổ chức công. Hơn nữa, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá đã và đang hoạt động chưa hiệu quả nên không nên dập khuôn làm theo cách này.

Tại tọa đàm, Heineken cũng trích dẫn một báo cáo nghiên cứu độc lập của Euromonitor cho thấy, ước lượng có ít nhất 28% thức uống có cồn (dựa trên sản lượng) ở Việt Nam được sản xuất trái phép - không đóng thuế và không được kiểm soát chặt chẽ. Euromonitor tin rằng, 97% trên sản lượng và giá trị là rượu gạo và rượu buôn lậu. Thất thoát về thuế do rượu lậu được ước tính khoảng 441 triệu USD mỗi năm. Chính vì thế, Heineken kiến nghị, Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia nên tập trung vào việc ngăn cấm lưu hành đồ uống có cồn trái phép vì những loại đồ uống này không an toàn, không đóng góp cho sự phát triển kinh tế Việt Nam và không đóng thuế.

Đồng tình với ý kiến này, đại diện Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng cho rằng, chính việc thành lập quỹ này sẽ gián tiếp làm tăng thêm giá thành của các loại rượu bia có nhãn mác (vì các doanh nghiệp phải nộp thêm vào quỹ từ 1-2% doanh thu), cũng đồng thời với việc càng đẩy xa khoảng cách giá cả của loại bia rượu có nhãn mác với không có nhãn mác. Người dân có xu hướng sẽ đi tìm các đồ uống có giá thành rẻ hơn từ chính các cơ sở sản xuất chui, thủ công, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Như vậy là lợi ít hại nhiều.

Ông Ngô Quý Linh đến từ Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam đặt vấn đề: Hệ thống văn bản pháp luật quy định về rượu bia của chúng ta đã có đầy đủ, thế nhưng tình trạng ngộ độc rượu, tình trạng sản xuất rượu trốn thuế vẫn diễn ra? Như vậy, không phải cứ tăng các loại thuế, phí lên mà giải quyết được. Vấn đề ở đây là chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ được đầu vào ngay từ khâu sản xuất còn hơn là cứ đi “nắm kẻ có tóc” là đánh thuế thật cao những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Chính vì những lý do rất chính đáng trên nên Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam đề nghị Quốc hội xem xét chưa đưa Dự án Luật phòng, chống tác hại rượu, bia vào dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Do đó, để đề xuất xây dựng một luật mới cần có báo cáo đánh giá một cách chi tiết kết quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật này để xác định những mặt hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế đó. Một câu hỏi đặt ra là: Tại sao có nhiều văn bản quy phạm pháp luật như vậy mà chưa quản lý tốt việc sản xuất, kinh doanh rượu, bia như ý kiến của cơ quan đề xuất. Phải chăng các quy định pháp luật đó chưa đi vào được thực tế cuộc sống? Nếu có thể khắc phục được các hạn chế đó thì có cần thiết phải ban hành một đạo luật mới hay không?

Nguyễn Duyên

Theo Báo Công thương

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,534

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079