Thống đốc NHNN ban hành Chỉ thị quan trọng này nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tại Đề án 1058, lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế; phấn đấu đến năm 2020, các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II; có ít nhất từ 01 đến 02 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực Châu Á.
Chỉ thị còn nhằm mục tiêu triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 42/2017/QH14 để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết, đồng thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng; phát huy vai trò Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong việc xử lý nợ xấu. Phấn đấu đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ xấu đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém được Chính phủ phê duyệt xử lý theo phương án riêng).
Nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đối với đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước
Tại Chỉ thị này, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước như Văn phòng, Vụ Truyền thông, Cơ quan Thanh tra giám sát, Vụ Pháp chế, các đơn vị Vụ, Cục khác thuộc Ngân hàng Nhà nước, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị.
Đối với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng
Thống đốc chỉ thị Cơ quan Thanh tra, giám sát xây dựng và trình Thống đốc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020; Chỉ đạo từng tổ chức tín dụng xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017 – 2020 trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, trong đó có kế hoạch xử lý nợ xấu của từng năm và giám sát việc thực hiện kế hoạch của từng tổ chức tín dụng.
Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó có việc sửa đổi bổ sung các văn bản quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của TCTD (Thông tư 19/2013/TT-NHNN ngày 06/9/2013); quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng và Thông tư quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng (Thông tư thay thế Thông tư 44/2011/TT-NHNN); xây dựng và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 26/2014/NĐ-CP ngày 07/4/2014 về tổ chức và hoạt động của thanh tra, giám sát ngân hàng và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 35/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/6/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước trong quý III năm 2017.
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém trên cơ sở tổng kết thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 cũng là một nội dung quan trọng của chỉ thị này.
Đối với Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)
Thống đốc chỉ thị VAMC tổ chức quán triệt các quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14; Xây dựng và triển khai thực hiện phương án xử lý nợ xấu hằng năm và phương án mua, bán nợ xấu theo giá trị thị trường; Tổ chức áp dụng toàn diện các biện pháp quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được do VAMC đã mua, chưa xử lý; Báo cáo tình hình xử lý nợ xấu định kỳ hằng tháng, chậm nhất vào ngày 25 tháng tiếp theo ngay sau tháng báo cáo theo mẫu biểu báo cáo kèm Chỉ thị này gửi Ngân hàng Nhà nước (thông qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng); Hằng năm, đánh giá tính hiệu quả, khả thi của các chính sách thí điểm tại Nghị quyết 42/2017/QH14 trên cơ sở tổng kết việc thực hiện tại VAMC và đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm và các quy định của pháp luật có liên quan gửi Ngân hàng Nhà nước (qua Vụ Pháp chế); Kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước (qua Vụ Pháp chế) khi thực hiện việc mua, bán nợ xấu, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14.
Đối với các tổ chức tín dụng
Thống đốc chỉ thị các tổ chức tín dụng quán triệt nội dung và tổ chức thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14, Đề án 1058 trong toàn hệ thống của từng tổ chức tín dụng; Xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu cho giai đoạn 2017-2020 trong đó bám sát việc triển khai các chính sách tại Nghị quyết 42/2017/QH14 và giải pháp tại Đề án 1058 trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt; Tổ chức triển khai thực hiện phương án sau khi được phê duyệt, trong đó lưu ý tổ chức áp dụng toàn diện các biện pháp quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, bảo đảm thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu theo phương án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Các TCTD báo cáo tình hình xử lý nợ xấu định kỳ hằng tháng, chậm nhất vào ngày 25 tháng tiếp theo ngay sau tháng báo cáo theo mẫu biểu báo cáo kèm chỉ thị này gửi Ngân hàng Nhà nước (thông qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng).
Thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực quản trị nội bộ đặc biệt là quản trị rủi ro, nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng, nâng cao năng lực cán bộ thực hiện công tác thẩm định cấp tín dụng, xử lý nợ.
Thực hiện có hiệu quả các giải pháp để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật làm phát sinh nợ xấu tại từng tổ chức tín dụng. Định kỳ rà soát, thực hiện việc báo cáo về khách hàng, lãi dự thu thuộc đối tượng tại Điều 16 Nghị quyết 42/2017/QH14 theo văn bản hướng dẫn của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.
Hằng năm, đánh giá tính hiệu quả, khả thi của các chính sách thí điểm tại Nghị quyết 42/2017/QH14 trên cơ sở tổng kết việc thực hiện tại tổ chức tín dụng và đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm và các quy định của pháp luật có liên quan gửi Ngân hàng Nhà nước (qua Vụ Pháp chế). Đồng thời, kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước (qua Vụ Pháp chế) khó khăn, vướng mắc và kiến nghị xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14; Kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng) khó khăn, vướng mắc và kiến nghị xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 1058.
VMH
Theo Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước