Câu hỏi sau vụ chống cưỡng chế ở Hải Phòng

10/01/2012 11:56 AM

Vì sao những người dân Tiên Lãng, Hải Phòng, thường đã không làm mất lòng hàng xóm, nhưng đột nhiên lại xảy ra một sự biến đổi đến không ngờ trong hành động, sẵn lòng làm mất lòng chính quyền địa phương?

Câu chuyện gia đình chủ đầm Đoàn Văn Vươn nổ súng vào lực lượng cưỡng chế thu hồi đất đầm ở Tiên Lãng, Hải Phòng làm 6 công an và quân nhân bị trọng thương ngày 5/1 đang gây sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Nguyên nhân để xảy ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng này bắt nguồn từ việc nhiều hộ dân có đầm nuôi trồng thủy sản tại khu vực xã Vinh Quang, trong đó có Đoàn Văn Vươn, không đồng tình với quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng vì trong các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy sản chỉ có thời hạn giao đất 4 - 15 năm nhưng hợp đồng của nhiều hộ, thời điểm ký là năm 1997 đã ghi lùi thời hạn áp dụng từ 1993. Các quyết định thu hồi đất cũng không đề cập đến việc đền bù vật kiến trúc, công tôn tạo của người dân trong việc biến cả trăm ha đầm bãi sú vẹt hoang hóa thành các vuông đất nuôi trồng thủy sản.

Những hành động phản ứng khi bị cưỡng chế, thu hồi đất đai lâu nay không còn là chuyện hiếm. Nhưng vụ việc ở Hải Phòng trở thành tâm điểm dư luận bởi lần đầu tiên, những người dân bị cưỡng chế đã sử dụng vũ khí - súng và mìn - thay cho tay không hoặc một số công cụ hỗ trợ như trước đây. Dư luận cũng băn khoăn, vì sao Đoàn Văn Vươn, vốn có nhân thân tốt, từng được một tờ báo phong tặng là "kỳ tài đất Tiên Lãng" bỗng chốc trở thành bị can trong một vụ án nghiêm trọng.

Giới hạn của sự nguy hiểm

Vô tình hay hữu ý, chính sách thu hồi đất đai lại vận động hoặc đi cùng với những con sóng tăng giá bất động sản từ những năm 1994-1995 cho đến nay.

Nếu trước thời điểm năm 2000, có thể xem vài đợt tăng giá nhà đất chỉ là sự khởi đầu của trào lưu đầu cơ bất động sản, thì trong hơn mười năm qua, trào lưu này đã biến đất đai thành một mỏ vàng vô tận để từ đó làm giàu cho vô số người, bao gồm cả tư nhân lẫn quan chức.

Cũng từ năm 2000 đến nay, dư luận xã hội đã phải quá nhiều lần phát đi câu hỏi thống thiết về mối quan hệ hữu cơ ngày càng gắn bó giữa các nhóm lợi ích - một chuỗi mắt xích được tương hỗ lẫn nhau về thủ tục hành chính và cả về những quyết định vi luật lẫn vi hiến, mà do đó đã góp phần làm sinh ra một giai tầng mới trong xã hội: "tư sản đỏ".

Những số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy từ năm 2005-2006, hình thức khiếu kiện đông người đã tăng vọt. Vào thời điểm ấy, 70% nguyên nhân khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Nhưng từ năm 2007 đến năm 2010, cùng với con sóng đầu cơ đất đai ghê gớm ở Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh lân cận, nhiều chuyên gia đã đánh giá tỷ lệ khiếu tố về đất đai đã tăng đến 90% trong tổng số đơn thư khiếu kiện.

Vì sao người dân lại bức xúc rồng rắn khiếu kiện như thế?

Các chiến sĩ CA áp sát các đối tượng nổ súng tại Hải Phòng. Ảnh: VOV

Có nhiều nguyên nhân và nhiều lời giải thích. Suốt hàng chục năm qua, rất nhiều cuộc hội thảo ở cấp trung ương và địa phương đã được tổ chức về vấn đề trên. Thậm chí còn có cả những dự án được nước ngoài tài trợ nhằm làm rõ nguồn cơn và giải pháp.

Nhưng trong khi mọi chuyện vẫn còn đang trong quá trình "nghiên cứu" và vẫn chưa có một lời giải thích thỏa đáng nào, cái hiện thực mà dư luận thấy rõ nhất và đáng được thừa nhận nhất là sức chịu đựng của người dân bị mất đất đã tiến đến một giới hạn của sự nguy hiểm.

Sau toàn bộ chuỗi kiện tụng về đất đai, tính cao trào của bi kịch thường được kích nổ bởi việc cưỡng chế, trong đó có cả những hành vi cưỡng chế trái pháp luật.

Tính kích nổ đầy nguy hiểm đó có thể dẫn đến những hành động phản ứng tự phát, manh động; và phần nào đó mang tính vô thức nếu phân tích theo khía cạnh tâm lý học.

Còn thực tế hơn, những người dân bị mất đất chỉ đơn giản lo sợ về việc họ sẽ sinh sống ra sao, con cái họ sẽ học hành thế nào một khi gia đình họ không còn đất canh tác, khi đất canh tác của họ đã chỉ được nhận giá bồi thường rẻ mạt để sau đó biến thành dự án sân golf, dự án du lịch, hay một thứ dự án nào đó mà về danh nghĩa là công ích nhưng thực chất lại là phân lô bán nền...

Dự cảm sắp đến và sẽ đến

Với tình hình giá bồi thường năm 2011 đã tăng lên đáng kể so với những năm trước, vì sao người dân bị thu hồi đất lại phản ứng rộng hơn và mạnh hơn? Những người dân này đã phản ứng quá đà hay còn do nguyên nhân nào khác?

Hay mặt bằng dân trí và nhận thức của người dân đã thay đổi? Và nếu thay đổi thì theo hướng nào?

Còn nhớ trước năm 1997, khi con sóng đầu cơ bất động sản đầu tiên hình thành ở Việt Nam, tại một số địa phương cũng đã manh nha làn sóng khiếu kiện đất đai. Nhưng đến năm 1997, điểm cực đại trong phản ứng tâm lý của người dân đã được kết tủa bởi sự kiện Thái Bình.

Trung Quốc, một quốc gia có bối cảnh vận động kinh tế và xã hội không khác mấy Việt Nam, cũng đã từ lâu rơi vào bối cảnh các mâu thuẫn kinh tế giai cấp đang tràn đầy nguy cơ biến thành xung đột xã hội. Vào năm 2011, khi chính thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo lần đầu tiên phải lên tiếng thừa nhận về "sự oán giận của người dân" đối với nhiều chính sách giải tỏa bồi thường đất đai, thì cũng là lúc hàng loạt vụ việc phản ứng quyết liệt của người bị mất đất diễn ra ở Quảng Đông, Quảng Châu, Phúc Kiến, Giang Tô...

Gần đây nhất, vụ việc làng Ô Khảm là một minh họa tiêu biểu cho tình thế "đóng cổng làng", buộc ngay cả bộ trưởng công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang cũng phải đưa ra lời đề nghị về chính quyền địa phương cần thực hiện "hòa giải với nhân dân".

Nếu trường hợp phản ứng của 13.000 dân làng Ô Khảm ở Trung Quốc là một điểm nhấn trong tâm lý phản kháng đối với chính sách thu hồi đất đai và bất công xã hội, thì có lẽ một số vụ việc phản ứng gần đây của người dân đối với chính sách thu hồi đất đai tại địa phương ở Việt Nam lại ẩn chứa những nét tương đồng lạ lùng, xứng đáng để các nhà xã hội học xây dựng hẳn một đề tài chuyên biệt nhằm phục vụ cho giới chức quản lý và cả giới chức tuyên truyền.

Và trọng tâm, hoặc một minh họa mang tính khởi đầu cho đề tài nghiên cứu - triển khai trên có thể chính là vụ việc mang tính tiền lệ về chống người thi hành công vụ - đã xảy ra ở khu đầm nuôi thủy sản xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng vào đầu năm 2012.

Để đề tài trên cũng nhằm dự cảm và dự báo về những phản ứng xã hội về đất đai, sắp đến và sẽ đến...

Theo Tuanvietnam

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,588

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079