Sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư năm 2006: Góp phần cụ thể hóa quyền làm chủ của nhân dân

06/03/2012 09:10 AM

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư (LS) năm 2006 sẽ chịu sự tác động từ việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, cụ thể là tác động lớn từ các qui định Hiến pháp về dân chủ, nhà nước pháp quyền (NNPQ), quyền con người, quyền công dân - nhận định của PGS.TS.Lê Minh Thông (Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội).

Hoạt động LS không chỉ nhằm bảo vệ lợi ích khách hàng mà còn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, phụng sự các giá trị cao cả của luật pháp trong NNPQ

Hoạt động LS không chỉ nhằm bảo vệ lợi ích khách hàng mà còn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, phụng sự các giá trị cao cả của luật pháp trong NNPQ

Tăng cường chức năng giám sát và phản biện xã hội

Các quan điểm quan trọng của Đảng về dân chủ, về NNPQ, về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong giai đoạn tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH đất nước nhằm xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh sẽ được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 1992 khi sửa đổi, bổ sung. Việc thể chế hóa đó sẽ tạo ra một khuôn khổ Hiến định mới cho việc hoàn thiện hệ thống pháp Việt Nam, làm căn cứ để sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật đã được ban hành và xây dựng ban hành nhiều đạo luật mới.

Theo PGS.TS.Lê Minh Thông, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình đối với quyền lực chính trị (quyền lực nhà nước) thông qua hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Đặc biệt, là hoàn thiện quyền của các tổ chức quần chúng nhân dân (Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các tổ chức cộng đồng) trong việc thực hiện phản biện xã hội và giám sát xã hội đối với đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Bên cạnh đó, hiến định hóa quyền giám sát xã hội, phản biện xã hội của các tổ chức quần chúng sẽ tạo lập cơ sở hiến định để các tổ chức này tham gia tích cực, chủ động vào đời sống chính trị và sinh hoạt dân chủ của đất nước.

Xác định như vậy, nhiều ý kiến cho rằng, khi sửa đổi, bổ sung Luật LS 2006 cần nghiên cứu đưa vào Luật LS 2006 quyền và trách nhiệm của Liên đoàn LS Việt Nam, các đoàn LS, thực hiện chức năng giám sát xã hội và phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước với việc thực thi quyền lực của nhân dân bởi bộ máy công quyền các cấp, để nâng cao vị thế của Liên đoàn LS Việt Nam, các đoàn LS trong việc tham gia vào giám sát xã hội và phản biện xã hội. 

Bên cạnh đó, qui định quyền và trách nhiệm của LS trong sửa đổi, bổ sung Luật LS cần xác định rõ, hoạt động LS không chỉ nhằm bảo vệ lợi ích khách hàng mà còn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, phụng sự các giá trị cao cả của luật pháp trong NNPQ. Có thể nghiên cứu xây dựng một điều khoản về việc bảo vệ LS, xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đảm bảo các điều kiện thuận lợi để LS hành nghề theo đúng qui định của pháp luật, nghiêm cấm và xử lý nghiêm mọi hành vi gây cản trở quyền hành nghề hợp pháp của LS.

Xác định rõ hơn quyền tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của LS

Chất lượng xây dựng pháp luật có ảnh hưởng to lớn đến chất lượng pháp quyền của nhà nước. Dân chủ hóa hoạt động xây dựng pháp luật là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng xây dựng luật pháp của quốc gia. Sự tham gia của Liên đoàn LS Việt Nam, các đoàn LS vào hoạt động xây dựng pháp luật không chỉ nâng cao vị thế, sự đóng góp của Liên đoàn và các tổ chức LS trong hoạt động xây dựng thể chế, góp phần củng cố các cơ sở pháp luật của NNPQ mà còn là cơ hội để các LS được trực tiếp tham gia vào các hoạt động xây dựng pháp luật ngay từ các giai đoạn ban đầu.

Quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 cũng đang đặt ra vấn đề cần xử lý tốt mối quan hệ giữa quản lý nhà nước và quyền tự quản của các tổ chức xã hội nghề nghiệp sao cho Nhà nước thực hiện được vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp bằng việc ban hành luật và kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật của các tổ chức này, đồng thời đề cao tính tự quản, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức này.

Quan điểm của PGS.TS.Lê Minh Thông là trong sửa đổi, bổ sung Luật LS 2006 cần tập trung xác định rõ hơn quyền tự quản của Liên đoàn trong tổ chức và hoạt động trên các phương diện thuộc chức năng. Đồng thời, xác định rõ mối quan hệ giữa các tổ chức xã hội nghề nghiệp của LS với các cơ quan nhà nước hữu quan trong các qui định pháp luật liên quan.

Tiến trình cải cách tư pháp đang diễn ra ở nước ta mà kết quả của nó sẽ được thể hiện trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 và các văn bản pháp luật, tạo ra những thay đổi quan trọng trong thực tiễn hoạt động tư pháp ở nước ta. Những thay đổi này cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến tổ chức và hoạt động các tổ chức xã hội nghề nghiệp của LS, của mỗi LS nên cần được tính đến khi sửa đổi, bổ sung Luật LS 2006 cho phù hợp với tinh thần của Hiến pháp sau khi được sửa đổi, bổ sung.

Huy Anh

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,374

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079