- Ông đánh giá thế nào về mức phí bảo trì đường bộ mà Bộ Giao thông Vận tải vừa đề xuất?Ông Bùi Danh Liên. Ảnh: PV
- Quỹ bảo trì đường bộ được quy định trong Luật giao thông đường bộ. Với đề xuất mức phí xe máy 80.000 - 120.000 đồng mỗi năm, tôi thấy là phù hợp, song phải xem xét tùy từng vùng. Ở miền núi, tôi nghĩ chưa nên thực hiện vì đời sống của người dân còn khó khăn, kiếm được 10.000 - 20.000 đồng rất khó. Còn ở các khu vực phát triển thì thực hiện ngay vì mức phí không đáng bao nhiêu.
Với ôtô con, mỗi năm đóng phí khoảng 2 triệu đồng cũng hợp lý. Với xe khách hay xe tải, tiền đó được chia ra theo tấn hàng hóa, theo đầu hành khách. Một xe 29 chỗ hay 45 chỗ ngồi đều chia theo đầu hành khách thì không đáng bao nhiêu. Mỗi tháng xe chở cả nghìn hành khách thì chủ xe tăng chi phí không đáng kể.
- Mức phí 1,4 triệu đồng mỗi tháng đối với xe container gây khó khăn như thế nào cho doanh nghiệp vận tải?
- Tôi thấy mức này không gây khó khăn cho doanh nghiệp bởi kinh doanh xe container là siêu lợi nhuận. Mỗi hợp đồng xe 20 tấn chạy từ Hải Phòng về Lạng Sơn thu tới hơn 10 triệu đồng hoặc vài chục triệu đồng một chuyến vào TP HCM. Mức phí 1,4 triệu đồng mỗi tháng được tính vào giá thành vận tải thì không đáng bao nhiêu và nhiều doanh nghiệp vận tải container sẽ đồng ý việc thu phí.
Container là loại xe tàn phá đường khủng khiếp, như Quốc lộ 5 xuống cấp nặng là do xe này chạy nhiều. Chạy xe làm hỏng đường thì phải đóng góp tiền để nhà nước sửa chữa lại đường. Nhưng nếu thu đột ngột, chỉ báo trước 3 tháng thì chủ xe sẽ khó làm việc với chủ hàng vì hợp đồng đã ký cả năm. Do vậy, việc thu phí bảo trì cũng cần có lộ trình.
- Với cách thu theo tháng, năm, ông nghĩ sao khi người ít sử dụng xe vẫn phải đóng mức phí ngang với người sử dụng thường xuyên?
- Tôi cho rằng không có chính sách nào phù hợp, công bằng cho mọi người, mà chúng ta phải vì cái chung. Tôi đóng bảo hiểm y tế mấy chục năm, song ít khi đi khám bệnh và đóng như vậy để chia sẻ với cộng đồng. Nhà tôi có xe con mỗi tháng chỉ đi vài lần, nhưng tôi vẫn sẵn sàng đóng phí để chia sẻ với nhiều người khác.
Hợp lý nhất là thu phí theo từng km xe chạy, song phương án này không làm được hoặc có làm được thì thu cũng không bù chi. Tất nhiên, sẽ có một số bất cập như người mua xe được nửa năm rồi bán lại thì phải xử lý như thế nào, người mua sau đó có phải đóng phí không?
Phí bảo trì này mới nên người dân dễ phản ứng dù đã được đưa vào Luật giao thông đường bộ. Song, muốn đi đường tốt thì phải bỏ tiền ra, nhà nước không thể bao cấp hết. Theo kinh tế thị trường, người dân hưởng lợi thì có trách nhiệm bỏ tiền ra bảo dưỡng đường.
- Ngành giao thông từng đề xuất thu phí qua xăng dầu, ông nghĩ sao về biện pháp này?
- Xăng dầu do nhiều doanh nghiệp kinh doanh, cả tư nhân và cổ phần, không ai kiểm soát được doanh thu của họ. Nhiều doanh nghiệp không nộp thuế đủ cho nhà nước nên nếu thu phí bảo trì qua xăng thì có khi tiền của dân lại bị họ đút túi. Vả lại, nhiều loại hình vận tải khác cũng không dùng xăng dầu nên thu phí qua xăng dầu là không sòng phẳng.
- Ông nghĩ sao về hiệu quả và tính khả thi của chủ trương cho các phường, xã trực tiếp thu phí bảo trì đường bộ từ chủ xe máy?
- Phường không thể đi thu được mà lại giao cho các tổ dân phố đi thu của dân, song tổ dân phố cũng quá nhiều việc. Theo tôi, khi đã giao cho các phường thu thì nên trích lại phần trăm để bồi dưỡng cho người đi thu tiền, như cảnh sát giao thông phạt người vi phạm cũng được trích lại để bồi dưỡng.
- Chủ ôtô đang phải gánh rất nhiều loại phí. Ông nghĩ sao về khả năng giảm phương tiện cá nhân trong thời gian tới?
- Phí không phải là gốc, song cũng là một trong những biện pháp giảm lượng xe. Mỗi tháng mất 2 triệu đồng phí ôtô thì với lương hưu tôi sẽ chọn đi taxi.
Bộ GTVT dự kiến mức thu phí ôtô theo 7 nhóm. Mức thấp nhất đối với ôtô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 180.000 đồng một tháng; mức cao nhất đối với xe tải từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet là 1,44 triệu đồng một tháng. Môtô, xe gắn máy thu 80.000 - 120.000 đồng một năm. Theo phương án này, mỗi năm cả nước sẽ thu được hơn 5.900 tỷ đồng và ngân sách nhà nước bổ sung khoảng 6.300 tỷ đồng để bảo trì, sửa chữa đường bộ. |
Đoàn Loan