“Không ai làm cháu vui bằng bố mẹ và em Thảo của cháu“

12/03/2012 22:50 PM

Sau khi có lịch xét xử phúc thẩm vụ thảm sát cướp vàng ở Lục Nam (Bắc Giang), anh M là bác của cháu Trịnh Thị Ngọc Bích tâm sự về cuộc sống của cháu sau ngày xuất viện. Nghe câu chuyện anh kể, chúng tôi thực sự cảm động trước tấm lòng mà những người thân đã dành cho cháu Bích.

fff

Cháu Trịnh Thị Ngọc Bích trong ngày sinh nhật tại bệnh viện.

Chúng tôi có thể cảm nhận được từ anh một nỗi buồn đến tột cùng và mong muốn bù đắp phần nào cho cháu những tổn thất quá lớn mà một đứa trẻ mới lên 8 tuổi phải chịu. Điều này cũng dễ hiểu khi anh M là người chăm cháu Bích từ bé, khi bố mẹ cháu đi làm ăn ở xa chưa về và bây giờ, tất cả tình yêu thương của gia đình được dồn hết vào cháu. Với anh, cháu Bích như là con gái anh vậy.

Anh M nói: “Cháu Bích đã đi học ở một trường Quốc tế. Cháu rất có nghị lực học. Cháu cũng đã hòa đồng với các bạn trong môi trường mới. Cháu đã vui cười với các bạn”.

“Tuy nhiên, thỉnh thoảng, vào sáng chủ nhật – khi cháu được nghỉ học, các bác gọi cháu xuống ăn sáng nhưng cháu không xuống mà cứ nằm ở giường. Khi bác lên hỏi thì cháu nói cháu buồn vì nhớ bố mẹ và em. Cháu nói là không ai có thể làm cháu vui bằng bố mẹ cháu và em Thảo của cháu. Tôi nghe như vậy mà như bị ai xát muối vào lòng!", anh M vừa tâm sự vừa khóc.

Anh M kể tiếp: “Tết vừa rồi, hơn 40 năm sống trong đời, chưa bao giờ tôi buồn đến vậy. Không chỉ tôi mà cả nhà tôi, bố mẹ tôi cũng buồn. Đêm 30 Tết, tôi xuống nhà thắp hương cho hai vợ chồng Chín và cháu Thảo, sau đó tôi ra ngoài mộ của hai em. Thương các em và cháu quá, cứ nghĩ đến cháu Bích, tôi lại khóc. Mãi tôi mới về nhà được”.

Anh tâm sự: “Có lần đến thăm cháu Bích, lúc chỉ có hai bác cháu, cháu không muốn tôi xa cháu nên cháu đã nói là bác cưới vợ rồi sinh con ở đây và ở gần Bích, thương Bích nữa chứ. Nghe thấy thế, nước mắt tôi cứ chảy ra, chỉ biết quay mặt vào tường”.

Nghe anh kể vậy, chúng tôi có hỏi: “Sao anh không đón cháu về ở cùng anh, anh chưa lập gia đình mà?”. Anh M nói: “Quả thực tôi cũng rất muốn đón cháu về nhưng tôi là bác trai, lại thêm việc đi làm suốt, không có ai chăm chút cho cháu. Tôi sợ ở nhà một mình cháu buồn. Tôi chăm cháu từ nhỏ nên nó quấn tôi lắm. Cứ nghĩ đến cháu, nước mắt tôi lại chảy ra”.

Theo anh M, dù hai vợ chồng chị Chín đi Đức xa nhiều năm về nhưng tình cảm dành cho con của hai anh chị thật tuyệt vời. Và chính vì sống trong điều kiện gia đình như vậy nên khi không sống cùng bố mẹ, cháu Bích cảm thấy rất buồn.

Là người tiếp xúc nhiều với gia đình nạn nhân, trao đổi với báo chí, Luật sư Phạm văn Huỳnh cho biết, mới đây gia đình bị hại đã cho cháu Bích biết sự thật về cái chết của những người thân yêu nhất của cháu.

Thời điểm hiện tại, Bích đã bớt hoảng sợ và đã nhận thức đầy đủ về câu chuyện đau lòng này và đã sẵn sàng tinh thần để ra dự tòa trong phiên phúc thẩm.

“Tôi đã động viên gia đình đưa cháu tới dự phiên tòa. Đó là quyền lợi của cháu. Lời khai của cháu Bích tại phiên phúc thẩm sẽ là tình tiết mới. Nếu lời khai của cháu Bích không xem xét được tại tòa thì cần phải trả hồ sơ điều tra lại”, Luật sư Huỳnh nói.

Là người chứng kiến vụ thảm sát từ đầu đến cuối và may mắn thoát nạn, với cháu Bích, vụ thảm sát là một nỗi đau quá lớn đối với cháu. Và việc cháu có thể tham gia và có lời khai trực tiếp tại phiên tòa phúc thẩm như lời Luật sư Huỳnh nói thì đó thực sự là một chi tiết đặc biệt – “một tình tiết mới”.

Trước đó, kết thúc phiên xử sơ thẩm ngày 11/1, HĐXX xác định, rạng sáng 24/8/2011, Luyện đột nhập tiệm vàng Ngọc Bích, cắt hệ thống camera, chuông báo động, đâm chết vợ chồng chủ tiệm. Cháu Bích bị chém đứt lìa tay phải, bé út bị giết. Luyện vơ vét 200 chỉ vàng ta, gần 153 chỉ vàng tây trong tủ trưng bày ở tầng 1, tổng giá trị tài sản hơn 1,27 tỷ đồng.

Theo TAND Bắc Giang, hồ sơ vụ án, kết quả khám nghiệm cho thấy không có cơ sở xác định Luyện có đồng phạm. Lời khai của Luyện về việc đột nhập tiệm vàng trùng với kết quả thực nghiệm hiện trường. Các vết chém trên người 4 nạn nhân khi khám nghiệm cũng khớp với lời khai hung thủ.

Với những phân tích trên, HĐXX cho rằng, cáo trạng truy tố Luyện về 3 tội danh là có cơ sở. Luyện bị phạt 18 năm về tội giết người, 18 năm cho tội cướp tài sản, 9 tháng tù do lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do bị cáo gây án khi chưa đến tuổi thành niên (17 tuổi, 10 tháng 6 ngày) nên tổng hợp các hình phạt không quá 18 năm tù.

Các bị cáo còn lại của vụ án gồm: Lê Văn Miên (bố Luyện) lĩnh án 48 tháng tù do che giấu tội phạm; đồng phạm Trương Thanh Hồng và Lê Thị Định bị phạt lần lượt 30 tháng, 15 tháng. Do không tố giác tội phạm, bị cáo Lê Thành Nghi bị phạt 15 tháng, Trương Văn Hợp 12 tháng và Dương Thị Lược 9 tháng.

Theo Giáo dục Việt Nam

Chia sẻ bài viết lên facebook 5,486

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079