'Dân quan tâm tới quyền sử dụng hơn là sở hữu đất đai'

07/03/2012 23:42 PM

Phó tổng cục trưởng Quản lý đất đai Đào Trung Chính cho rằng, người dân chỉ quan tâm có được sử dụng đất lâu dài không, khi nhà nước lấy đất thì bồi thường như thế nào hoặc có được chuyển nhượng, thế chấp không...

Chiều 7/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã họp thông tin về lĩnh vực quản lý đất đai thời gian qua và dự thảo sửa đổi Luật đất đai sắp tới. Ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Quản lý đất đai cho biết, theo Luật đất đai 1993, các hộ gia đình và cá nhân được giao đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản là 20 năm và trồng cây lâu niên là 50 năm.

Tuy nhiên, quan điểm nhất của Chính phủ là người dân sẽ tiếp tục được gia hạn khi hết thời hạn 20 năm vào 2013, căn cứ trên từng trường hợp. Cụ thể, các gia đình và cá nhân đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản được gia hạn thêm 20 năm, tức là đến 2033. Đối với, loại đất khác, trước thời điểm hết hạn sử dụng đất 6 tháng, nếu có nhu cầu người sử dụng đất làm đơn gửi cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất để giải quyết. Trường hợp người sử dụng đất không có nhu cầu tiếp tục, nhà nước sẽ thu hồi để chia cho các hộ và gia đình khác.

Ông Đào Trung Chính. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Trước tình trạng các gia đình và cá nhân khi thế chấp đất bị ngân hàng từ chối vì giấy chứng nhận ghi chỉ còn hơn một năm, ông Chính cho hay, Bộ đang đề nghị Thống đốc Ngân hàng nhà nước yêu cầu ngân hàng phải tiếp tục cho vay vốn sản xuất. Với trường hợp bị "ép" nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng do sắp hết hạn và một số địa phương sắp xếp lại thửa rộng, dồn điện đổi thửa, Bộ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp tiếp tục công chứng cho người dân, điều chỉnh thời hạn đến 2033.

Theo ông Chính, sắp tới, Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ ban hành thông tư cụ thể để hướng dẫn các gia đình và cá nhân làm thủ tục gia hạn hoặc thu hồi đất.

Trả lời câu hỏi của VnExpress.netvề quan điểm sở hữu đất đai và thời hạn giao đất trong dự thảo luật, ông Phó tổng cục trưởng Quản lý đất đai cho rằng, khái niệm sở hữu là câu chuyện của nhà quản lý chứ người dân không quan tâm. "Cái họ quan tâm là có được sử dụng đất lâu dài không, khi nhà nước lấy đất thì bồi thường như thế nào hoặc khi họ có nhu cầu thì có được chuyển nhượng, thế chấp không, dưới hình thức nào?", ông Chính nói.

Theo ông Chính, người dân có hết các quyền đối với đất ở và về mặt lý luận, điều này không khác gì so với sở hữu tư nhân. Còn với đất nông nghiệp, đất rừng được giao 20 hay 50 năm, khi hết thời hạn nếu người dân muốn tiếp tục sử dụng với mục đích làm nông, trong khi nhà nước không có nhu cầu thu hồi thì đương nhiên người dân được gia hạn. Và trong trường hợp này thời hạn không có ý nghĩa gì.

"Như vậy, hình thức sở hữu gì không quan trọng, quan trọng là nội dung bên trong. Còn kể cả có sở hữu tư nhân về đất đai nhưng nhà nước cần lấy đất cho quốc phòng, an ninh thì người dân vẫn phải chấp nhận. Đương nhiên, khi nhà nước lấy đất thì phải bồi thường thỏa đáng", chuyên gia về đất đai chia sẻ.

Đề cập tới hạn điền, ông Chính cho biết, quan điểm của Bộ là phải nâng hạn mức lên để có thể phát triển sản xuất lớn, sản xuất hàng hóa. Nhằm tránh trường hợp tích tụ ruộng đất với mục đích đầu cơ, phát canh thu tô, cần dùng chính sách thuế lũy tiến đánh vào những người có nhiều đất.

"Nới hạn điền lên bao nhiêu thì cần phải nghiên cứu. Hiện chúng ta đang quy định hạn điền khác nhau ở các vùng, miền nhưng theo tôi chỉ cần quy định chung một mức", Phó tổng cục trưởng Đào Trung Chính nói thêm.

Theo Tổng cục Quản lý đất đai, cơ quan này vẫn đang tổng kết việc thi hành pháp luật đất đai. Trong tháng 6, việc tổng kết thi hành Luật Đất đai 2003 sẽ kết thúc, đến tháng 8 sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong quá trình sửa đổi Luật đất đai sẽ lấy ý kiến người dân.

Liên quan tới vụ thu hồi, cưỡng chế thu hồi đầm nuôi thủy sản ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Vụ phó chính sách và pháp chế (Tổng cục Quản lý đất đai) Bùi Sĩ Dũng cho biết, Bộ đang soạn công văn để xử lý vụ việc của gia đình ông Đoàn Văn Vươn nói riêng và các hộ nuôi trồng thủy sản khác nói chung. Việc này phải căn cứ vào quyết định giao đất của địa phương. "Các quyết định có cái đúng, có cái sai hoặc sai một phần vì đất giao cả trước và sau thời điểm Luật đất đai 1993 có hiệu lực. Hướng xử lý đối với các quyết định sai là thu hồi hết", ông Dũng nói.

Sắp tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cử 2 đoàn đi kiểm tra đất ở khu vực bãi bồi ven, ven biển trên cả nước.

Nguyễn Hưng

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,366

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079