Nghĩ kỹ khi thu phí từ tiền túi dân

30/03/2012 11:48 AM

- Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị An cho rằng đề xuất thu phí lưu hành đối với phương tiện kiếm sống hàng ngày của dân chúng là giải pháp không khả thi, chưa kể mức sống của người dân còn thấp trong khi bài toán của vấn đề nằm ở cơ sở hạ tầng. Thu phí lưu hành ô tô, xe máy chỉ là giải pháp tình thế, ảnh hưởng đến đại bộ phận người dân trừ những người đi xe "biển xanh".

Nhìn vào mức sống

Theo bà, tính khả thi của đề xuất thu phí lưu hành ô tô, xe máy thể hiện như thế nào?

Trước hết phải nhìn vào mức sống của đại bộ phận dân chúng. Mức sống của rất nhiều người dân chưa cao trong khi kinh tế khó khăn kéo dài trong nhiều năm qua. Mọi chuyện liên quan đến phí, nhất là thu trực tiếp từ túi tiền của người dân phải cân nhắc. Ở các nước, họ đặt ra chuyện thu phí lưu hành phương tiện nhưng còn phải nhìn sang cơ sở hạ tầng giao thông phát triển ở tầm nào để quy định thu cho tương ứng, công bằng với mọi đối tượng và phí thu được công khai, minh bạch về hoạch định sử dụng.

ĐB Bùi Thị Ankhông rõ vì sao lại thu phí đối với phương tiện kiếm sống hàng ngày của dân chúng


Tôi không rõ vì sao lại thu phí đối với phương tiện kiếm sống hàng ngày của dân chúng, bởi ở Việt Nam người dân phần lớn phải tự chủ phương tiện cho cuộc sống của họ. Họ phải dùng phương tiện để làm việc, rồi đưa con cái đi học, làm tất cả mọi việc từ phương tiện họ chắt chiu mua sắm được. Trong khi phương tiện công cộng chưa ổn, không đảm bảo, thì ai dám từ bỏ phương tiện riêng để đi xe buýt? Dù đánh phí bất cứ phương tiện giao thông nào, thì mọi người dân, nhất là người lao động, người nghèo sẽ phải chịu ảnh hưởng, có lẽ chỉ trừ những người đi xe "biển xanh" sẽ không bị ảnh hưởng thôi. Câu chuyện thu phí vì thế phải rõ ràng về mục đích.

Mục đích dễ hiểu nhất của đề xuất này là giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông, tôi nghĩ mọi người đều hiểu chung như vậy, thưa bà?

Giải pháp như vậy chỉ là tình thế, mang tính ngắn hạn, liệu ngay cả xem xét trong ý nghĩa đóng góp cho hệ thống các giải pháp tổng thể thì đó có phải là giải pháp thích hợp với điều kiện, đặc điểm xã hội? Tôi nghĩ khó có thể có hiệu quả trong thực tế và mong chờ các nhà hoạch định chính sách cân nhắc thật kỹ lưỡng. Đô thị quy hoạch của ta thiếu hợp lý, gây dồn ứ trường học, công sở. Trong khi đó, người dân ở vùng xâu vùng xa thì áp dụng thu phí có hợp lý không? Chưa kể kinh tế năm nay còn khó khăn và dự báo sẽ còn khó khăn tiếp diễn. Giải pháp này liệu sẽ góp giảm thiểu được bao nhiêu phần trăm ùn tắc thì phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Giải pháp thu phí cũng phải tính vì có thể ảnh hưởng đến thị trường ô tô trong nước có thể bị sụt giảm.

Có quan điểm cho rằng, nếu chỉ ngồi tính mà không hành động, không thử thì khó biết bao giờ có thể giảm thiểu ùn tắc giao thông, trong khi hạ tầng giao thông ngày càng hạn hẹp, bế tắc. Cá nhân bà ủng hộ cho những giải pháp như thế nào?

Có một số ý kiến đang bàn giải pháp đánh phí thu vào xăng. Trừ mục đích sử dụng xăng làm nhiên liệu sản xuất thì không tính, tách đánh phí thu vào xăng dùng cho phương tiện cũng có thể là một giải pháp có thể xem xét. Nhìn tổng thể cho mọi phương án thu phí, tôi vẫn luôn nghĩ phần lớn dân mình còn khó khăn, mọi quyết định ảnh hưởng đến túi tiền của họ phải xem xét thấu đáo, kỹ lưỡng.

Luật sư Trần Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội TP.HCM: Phải có lộ trình

Trao đổi với VietNamNet, luật sư Nghĩa cho rằng đề xuất của Bộ GTVT khó đáp ứng được nguyện vọng của người dân: Việc hạn chế người dân sử dụng xe cá nhân chỉ nên thực hiện sau khi có một hệ thống đường và phương tiện giao thông công cộng khác đủ về số lượng, đa dạng về chủng loại, tốt về chất lượng.

ĐB Trần Trọng Nghĩa: Chỉ nên hạn chế xe cá nhân khi có hệ thống đường và phương tiện giao thông công cộng tốt

Việc hạn chế xe cá nhân không chỉ đơn giản và trước hết là thu phí phương tiện giao thông, càng không thể thu một cách đồng loạt, cào bằng, ấn định không có cơ sở khoa học.

Người dân bỏ tiền ra để trả phí thì ngược lại họ có quyền nhận lại một dịch vụ có chất lượng tương đương và trên tinh thần tự nguyện. Để tạo được sự đồng thuận trong xã hội thì Bộ GTVT nên khảo khảo sát, phân tích lại các loại phí từ trước đến nay người dân đang phải đóng, từ đó đánh giá xem như vậy là nhiều hay ít, hiệu quả ra sao, đã khoa học và hợp lý chưa trên cơ sở đó có thể đề suất tăng - giảm, thêm - bớt các loại phí cho hợp lý.

Và điều quan trọng là nếu thu thêm phí, phải đảm bảo tính khoa học, có tính hợp lý, có mục tiêu và lộ trình cụ thể, được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan Tài chính và Quốc hội. Có như vậy người dân mới có thể yên tâm ủng hộ các chủ trương của Bộ.

Linh Thư - Thanh Quý

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,730

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079