'Không hạn chế, xe cá nhân sẽ không đi được'

27/03/2012 22:48 PM

- “Chúng ta muốn hạn chế phát triển ô tô cá nhân, mà mới bắt đầu đã thấy nói đụng tới quyền tự do mua sắm, quyền của mỗi người phải được hài hòa trong quyền chung của xã hội. Nếu chúng ta khuyến khích cái quyền cá nhân đến mức nào đó thì một lúc người có xe cá nhân được thực hiện quyền “không đi được”.

Thông tin trên được Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị đưa ra trong cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã họp bàn về việc hiệu quả thực hiện các giải pháp tăng cường nhằm lập lại trật tự giao thông trên địa bàn Hà Nội (27/3).

Thu phí tăng theo luỹ tiến?

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng: Thu phí vào nội đô để hạn chế phương tiện cá nhân trong giờ cao điểm là mong muốn của Thành phố với mục đích cơ bản là giảm thiểu phương tiện cá nhận, đặc biệt là ôtô vào trung tâm trong giờ cao điểm vì hiện nay mật độ tham gia giao thông quá lớn.

Bí thư thành uỷ Hà Nội cho biết: Nếu chúng ta khuyến khích cái quyền cá nhân đến mức nào đó thì một lúc người có xe cá nhân được thực hiện quyền “không đi được".

"Thu hai loại phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm là chủ trương đúng đắn. Việc xây dựng phương án thu phí thế nào vào giờ cao điểm ở mức cao hơn Thành phố đã có suy nghĩ ý tưởng” ông Thảo cho biết.

Theo ông Thảo, mật độ giao thông của thành phố hiện nay quá lớn. Để xây dựng phương án thu phí, thành phố đang có ý tưởng tính phí theo hình thức lũy tiến giờ cao điểm. Mức phí sẽ được tăng lên theo thời gian đối với phương tiện khi lưu tại nội đô.

Ông Thảo đưa ra dẫn chứng, một giờ sẽ là bao nhiêu đồng, đến giờ thứ hai sẽ được tăng lên nhằm mục đích khi người ta vào trung tâm sẽ phải tính toán thời gian lưu lại phương tiện nhanh nhất, ngắn nhất để giảm mức phí đồng nghĩa với việc mật độ giao thông sẽ giãn trong nội đô.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, việc xây dựng phương án tổ chức kiểm soát bằng cổng hay vé lưu hành vào nội đô là bài toàn rất khó vì đô thị trung tâm rất nhiều ngõ ngách. Về vấn đề này, thành phố đang nghiêm cứu kỹ mới giải quyết được.

Đồng tình quan điểm với Chủ tịch Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng: Hạn chế ôtô cá nhân cách đây 9 năm thành phố đã nghĩ tới nhưng nay mới triển khai và sẽ chạm tới lợi ích cá nhân.

"Cách đây 9 năm, Hội đồng Nhân dân Thành phố có nghị quyết 34 về cơ chế chính sách kiềm chế phương tiện tiến tới giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn, những giải pháp đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Khi đó cơ chế phát triển vận tải hành khách công cộng đề lên hàng đầu, là tăng số lượng xe buýt. Tuy nhiên, đến hôm nay chúng ta đã tăng đến mức không thể tăng thêm được nữa, nếu như không giảm một cách tương ứng số lượng xe cá nhân thì có tăng thêm xe buýt nữa thì càng tăng thêm ùn tắc", Bí thư thành uỷ Hà Nội nói.

Không hạn chế, xe cá nhân sẽ không đi được

Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị cũng nhìn nhận: “Chúng ta muốn hạn chế phát triển ô tô cá nhân, mà mới bắt đầu đã thấy nói đụng tới quyền tự do mua sắm, quyền của mỗi người phải được hài hòa trong quyền chung của xã hội. Nếu chúng ta khuyến khích cái quyền cá nhân đến mức nào đó thì một lúc người có xe cá nhân được thực hiện quyền “không đi được”.

Bàn đến việc Chính phủ đồng ý thu phí bảo trì đường bộ từ ngày 1/6 tới, nhiều ý kiến cho rằng có quá nhiều loại phí và dẫn tới tình trạng “phí chồng phí”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội thẳng thắn đặt câu hỏi: “Người dân mua ôtô không hỏi tiền ở đâu mua khi giá xe cao, nhưng khi đường xá xấu thế mà chỉ đòi hỏi đóng số tiền vài triệu để bảo trì đường tham gia giao thông đã kêu ầm lên?”.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng nêu ra một thực tế hiện nay Hà Nội đang thiếu điểm đỗ ô tô trong khi không có cơ chế khuyến khích đầu tư điểm đỗ, không có nhà đầu tư nào làm.

“Tại sao nhà đầu tư vào các ngành khác mà không vào đầu tư hạ tầng giao thông? Những vấn đề này liên quan đến cơ chế chính sách”, ông Nghị trăn trở.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Vũ Văn Viện cho biết: 3 tháng đầu năm vừa qua Hoàn Kiếm đã thu hồi 69 giấy phép trông giữ xe ở các tuyến phố.

Xử lý 5 doanh nghiệp tham gia khoán quản, những điểm thường xuyên sai phạm, trong đó quận này thu hồi giấy phép kinh doanh 2 doanh nghiệp.
Đối với việc triển khai cấm trông giữ xe ở 262 tuyến phố là chủ trương đúng đắn.

Tuy nhiên, khi thực hiện đã gây không ít khó khăn cho cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân vì nhu cầu điểm đỗ là có thật.

“Khi chúng ta chưa tìm được điểm đỗ thay thế thì không nên quá cứng nhắc cấm trông giữ xe ở các tuyến phố này, đặc biệt là đối với các tuyến phố có mật độ người dân buộc phải gửi xe đông như phố Đồng Xuân, Gầm Cầu”, ông Viện nói.

Ông Viện kiến nghị Thành phố khi cấp phép cho các nhà cao tầng trong nội thành phải tính toán điểm giao thông tĩnh đảm bảo tính công năng cho cả tòa nhà; tránh tình trạng nhà xây xong không có điểm đỗ xe.

Ngoài ra thành phố phải kiểm tra chức năng sử dụng các tầng hầm để xe của nhà cao tầng đang bị chuyển đổi sai quy hoạch.

Gia Văn

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,893

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079