Bộ Giao thông giải trình về phí hạn chế xe cá nhân

22/03/2012 17:27 PM

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hơn 600.000 ôtô sẽ chịu tác động của phí hạn chế phương tiện cá nhân. Bộ đã tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính lùi thời hạn thu phí với xe máy ít nhất sau 6 tháng so với ôtô.

Theo tờ trình gửi Thủ tướng của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, đối tượng thu phí là xe ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống và môtô. Các loại xe công như xe của cơ quan hành chính, đơn vị công lập, xe quân đội, xe công an, xe của cơ quan tổ chức ngoại giao nước ngoài không phải nộp loại phí này.

Trước đó, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ GTVT loại trừ thu đối với xe của doanh nghiệp như taxi, xe chở khách du lịch... Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng, một số phương tiện về bản chất là xe cá nhân nhưng theo hình thức lại thuộc sở hữu doanh nghiệp, tổ chức. Do vậy, Bộ GTVT vẫn đưa các loại xe này vào diện chịu phí hạn chế phương tiện.

Theo Bộ GTVT đến 31/10/2011 có 612.691 xe chịu tác động của phí hạn chế phương tiện cá nhân, tương ứng với chủ phương tiện chiếm 0,77% dân số cả nước. Các xe này phần lớn sử dụng cho mục đích cá nhân, tuy một số xe hoạt động vận tải taxi nhưng khối lượng vận chuyển không lớn. Do vậy, về cơ bản không ảnh hưởng đến giá cả thị trường, giá thành hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng cho rằng, phí hạn chế phương tiện cũng sẽ tạo nên tác động tiêu cực là một số cá nhân phải chịu thêm các khoản phí.

Bộ GTVT cho rằng việc giao cho các Trung tâm đăng kiểm, Trạm quản lý vận tải cửa khẩu thuộc các Sở GTVT thu phí của xe ôtô và các địa phương thu phí với xe máy là khả thi vì trên thực tế các cơ quan này nắm chắc được số lượng xe. Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính lùi thời hạn thu phí với xe mô tô ít nhất sau 6 tháng so với ôtô.

Nếu Quốc hội phê duyệt đề án, mỗi chủ xe dưới 9 chỗ sẽ phải đóng gần 2 triệu đồng mỗi tháng. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo đó, mức phí hạn chế phương tiện cá nhân dự kiến cơ bản giữ nguyên như tờ trình về phí lưu hành trước đây, chỉ khác mức thu năm sau được tính tăng 5% so với năm trước liền kề (trước đây đề xuất là 10%). Cụ thể, xe ô tô có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 được áp mức 20 triệu đồng/năm. Ô tô có dung tích xi lanh từ trên 2.000 cm3 đến 3.000 cm3 áp mức 30 triệu đồng/năm và 50 triệu đồng/năm cho ô tô có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3.

Mức thu đối với xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 là 500 nghìn đồng và 1 triệu đồng/năm cho mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên.

Nhận định về tính khả thi trong việc hạn chế phương tiện, Bộ GTVT cho rằng, với mức phí đề xuất sẽ có một bộ phận người dân đủ khả năng mua được ôtô cá nhân nhưng không chịu nổi mức phí phải đóng hàng năm. Khi đó, họ sẽ phải lựa chọn loại phương tiện khác để thay thế. Do vậy, hoàn toàn có tính khả thi trong việc hạn chế gia tăng xe cá nhân.

Việc thu phí này cũng sẽ khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc tại các thành phố, đồng thời tạo nguồn chi đầu tư nâng cao năng lực của hạ tầng giao thông đường bộ. Khi đó, người dân sẽ được hưởng lợi như tiết kiệm thời gian, nhiên liệu, hao mòn phương tiện do lưu thông thông thoáng hơn.

Trả lời ý kiến của Bộ Tư pháp về việc chồng lấn giữa phí hạn chế phương tiện giao thông với phí sử dụng đường bộ, Bộ GTVT khẳng định, hai loại phí này hoàn toàn khác nhau cả về mục tiêu thu và đối tượng thu. Theo đó, Phí sử dụng đường bộ để tạo nguồn quản lý bảo trì đường bộ (đối với đường do Nhà nước đầu tư) và hoàn vốn đầu tư, chỉ quản lý bảo trì (đối với đường đầu tư theo hình thức BOT).

Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ nhằm hạn chế sự gia tăng số lượng phương tiện cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn; tạo nguồn chi đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và đầu tư cho các công trình.

Về đối tượng, phí sử dụng đường bộ thu với tất cả phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bao gồm ôtô, máy kéo, rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy... Trong khi đó, phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ chỉ nhắm vào một số đối tượng trong số đó.

Trước khi gửi báo cáo tới Thủ tướng, Bộ GTVT đã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các bộ, địa phương có liên quan. Đồng thời, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trực tiếp làm việc với lãnh đạo các Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tài chính. Các bộ đã thống nhất chủ trương đề nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung danh mục 2 loại phí hạn chế phương tiện cá nhân đường bộ và phí ôtô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm vào Danh mục phí, lệ phí.

Đoàn Loan

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,940

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079