Mức tạm ứng các khoản chi NSNN qua KBNN áp dụng từ 06/8/2020 (Ảnh minh họa)
Theo đó, quy định mức tạm ứng các khoản chi NSNN qua KBNN như sau:
- Đối với những khoản chi có giá trị hợp đồng từ 50 triệu đồng trở lên (hiện hành là 20 triệu đồng trở lên), mức tạm ứng theo quy định tại hợp đồng đã ký kết của đơn vị sử dụng NSNN và nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Đơn vị sử dụng ngân sách được tạm ứng vốn một lần hoặc nhiều lần cho một hợp đồng nhưng tối đa không vượt quá 50% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết, và không vượt quá dự toán năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho khoản chi đó, trừ trường hợp sau:
+ Thanh toán hàng hóa nhập khẩu, thiết bị chuyên dùng do đơn vị sử dụng ngân sách phải nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài (hoặc thông qua một đơn vị nhập khẩu ủy thác) phải mở L/C tại ngân hàng và trong hợp đồng nhà cung cấp yêu cầu phải tạm ứng lớn hơn nhưng không vượt quá dự toán năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho khoản chi đó.
+ Các trường hợp đặc thù khác có hướng dẫn riêng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, việc tạm ứng được thực hiện trong phạm vi dự toán được giao, theo hợp đồng ký kết giữa đơn vị sử dụng ngân sách và nhà cung cấp và theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
- Đối với những khoản chi không có hợp đồng và những khoản chi có giá trị hợp đồng không vượt quá 50 triệu đồng (hiện hành là dưới 20 triệu đồng): Mức tạm ứng theo đề nghị của đơn vị sử dụng ngân sách và trong phạm vi dự toán được giao. (Hiện hành, còn quy định mức tạm ứng theo tiến độ thực hiện)
Đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm về mức đề nghị tạm ứng theo đúng quy định.
Thông tư 62/2020/TT-BTC chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 06/8/2020 và thay thế Thông tư 161/2012/TT-BTC ngày 02/10/2012; Thông tư 39/2016/TT-BTC ngày 01/3/2016; Thông tư 81/2006/TT-BTC ngày 06/9/2006; Thông tư 172/2009/TT-BTC ngày 26/8/2009; Thông tư 18/2006/TT-BTC ngày 13/3/2006; Thông tư 84/2007/TT-BTC ngày 17/7/2007.
Châu Thanh