Kiến nghị tiếp tục thí điểm bỏ HĐND huyện, quận, phường

07/06/2012 08:37 AM

Sáng 6/6, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị lấy ý kiến vào báo cáo Tổng kết bước hai thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.


Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo TƯ về thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, sau 3 năm thực hiện ở 10 tỉnh, thành phố với 67 huyện, 32 quận và 483 phường cho thấy việc thí điểm đã đạt được một số mục tiêu, yêu cầu mà Nghị quyết TƯ 5 (khóa X) đề ra, tạo sự chuyển biến trong cải cách hành chính, từng bước tổ chức hợp lý chính quyền địa phương.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường là phù hợp, là bước đi thích hợp trong lộ trình cải cách hành chính. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ cấp tỉnh xuống cơ sở từng bước được phát huy theo hướng bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, linh hoạt và chủ động; bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo trong quản lý, điều hành của UBND, đồng thời phát huy tính chủ động, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính; rút ngắn được một số quy trình, thủ tục hành chính, thời gian giải quyết công việc.

Quá trình triển khai thí điểm cũng cho thấy đã bước đầu có sự phân định về tổ chức bộ máy của chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn; quyền dân chủ đại diện của người dân cơ bản vẫn được bảo đảm, tại một số địa phương quyền dân chủ trực tiếp của người dân từng bước được phát huy thông qua hội nghị đối thoại trực tiếp. Sự lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động của UBND được tăng cường và sâu sát hơn.

Các chương trình, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của huyện, quận, phường đều tuân thủ nghị quyết của Đảng bộ và xin ý kiến của cấp ủy trước khi thực hiện, do đó vẫn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp đồng bộ của chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và các ngành. Việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương vẫn bảo đảm ổn định, không gây xáo trộn; kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định và phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Trên cơ sở những kết quả trên, Thường trực Ban chỉ đạo cho rằng, quá trình thí điểm cho thấy về cơ bản là phù hợp, đổi mới, kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện.

Là địa phương có số lượng đơn vị thí điểm nhiều nhất, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Đặng Công Luận cho biết, thành phố đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND trên tất cả các huyện, quận và 299 phường; chỉ còn 63 xã, thị trấn chưa thí điểm. Quá trình thực hiện cho thấy mọi hoạt động được thông suốt, hiệu quả hơn. Nếu được các cấp có thẩm quyền cho phép, thành phố xin phép được thực hiện hết 63 xã, thị trấn còn lại.

Với cách làm khoa học và dân chủ, Đà Nẵng đã tiến hành tổ chức thăm dò dư luận và lấy ý kiến nhân dân sau 4 năm tổ chức thí điểm do Ban Tuyên giáo Thành ủy tiến hành. Giám đốc Sở Nội vụ Đặng Công Ngữ cho biết, qua thăm dò ý kiến của nhân dân, 97% đồng ý với việc thí điểm không tổ chức HĐND, 76% cho biết chính quyền quan tâm hơn so với trước khi chưa tổ chức thí điểm, 73% ý kiến đồng tình việc lựa chọn, điều động, luân chuyển cán bộ khi không tổ chức HĐND, 61% ý kiến cho rằng, chất lượng tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội được nâng lên, 86% ý kiến đánh giá tốt về hoạt động của UBND các cấp khi không có tổ chức HĐND…

“Qua thực tiễn thí điểm, chúng tôi kiến nghị Trung ương nên tiếp tục thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong thời gian tới,” ông Ngữ đề xuất.

Một số đại biểu đề nghị có báo cáo kết quả thí điểm chính thức của các địa phương về thực hiện thí điểm, kết quả phiếu thăm dò về vấn đề này của Ban Tuyên giáo Trung ương. Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha, thành viên Ban chỉ đạo đề nghị có vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam trong quá trình bổ nhiệm nhân sự Ủy ban nơi thí điểm.

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bộ, ban, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ cần nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện báo cáo trình cấp có thẩm quyền, phục vụ cho công tác sửa đổi Hiến pháp, nhất là những vấn đề có liên quan đến việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.

Báo cáo cũng cần khẳng định tính đúng đắn của chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và kết quả của thí điểm, những cái được và những điểm còn vướng mắc, nhất là ý kiến của các địa phương thực hiện thí điểm.

Theo Vietnam+

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,121

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079