Dự thảo Nghị định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng |
Dự kiến sửa nhiều quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng (Ảnh minh họa)
Theo đó, để đáp ứng yêu cầu của quản lý chi phí ĐTXD phù hợp với cơ chế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế hiện nay thì cần điều chỉnh, bổ sung và sửa đổi một số nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, sửa đổi quy định về phân loại dự án đầu tư xây dựng theo các nguồn vốn từ phân loại theo “vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách và vốn khác” sang “vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và vốn khác” đồng thời bổ sung dự án thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP) (khoản 4 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14).
Thứ hai, sửa đổi quy định về thẩm quyền thẩm định, nội dung thẩm định dự án (trong đó có nội dung thẩm định về TMĐT xây dựng), theo đó đã tách biệt nội dung, thẩm quyền thẩm định của người quyết định đầu tư với nội dung, thẩm quyền thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng (khoản 13, 14 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14).
Thứ ba, sửa đổi quy định về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt bước thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở (trong đó có nội dung thẩm định dự toán xây dựng), theo đó chuyển trách nhiệm tổ chức thẩm định, phê duyệt DTXD công trình từ người quyết định đầu tư sang chủ đầu tư đồng thời tách biệt làm rõ nội dung, thẩm quyền thẩm định dự toán xây dựng của chủ đầu tư và nội dung, thẩm quyền thẩm định dự toán xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng.
Thứ tư, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hệ thống định mức xây dựng, giá xây dựng:
- Quy định rõ việc áp dụng hoặc tham khảo hệ thống định mức xây dựng để xác định và quản lý chi phí đối với từng loại dự án: áp dụng đối với các dự án đầu tư công và tham khảo đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP, dự án sử dụng vốn khác (khoản 51 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14).
- Bổ sung và giao Chính phủ quy định kỳ rà soát, cập nhật, điều chỉnh hệ thống định mức xây dựng đã ban hành; Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định việc xác định định mức xây dựng mới, điều chỉnh định mức xây dựng không phù hợp với yêu cầu đặc thù của công trình; quy định việc xác định chỉ số giá xây dựng công trình liên tỉnh (khoản 51 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14).
- Sửa đổi quy định về trách nhiệm của các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND cấp tình trong việc nghiên cứu ban hành, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các định mức cho công tác đặc thù của chuyên ngành, của địa phương (khoản 62, 63 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14).
- Bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ “quy định việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng do cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước đầu tư tại nước ngoài và việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng” (khoản 60 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14);
Thứ năm, sửa đổi để khắc phục các tồn tại khi triển khai thực hiện Nghị định 68/2019/NĐ-CP về tổng mức đầu tư xây dựng:
Quy định về điều kiện áp dụng các phương pháp xác định tổng mức đầu tư xây dựng (TMĐT); thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí cho các công việc chuẩn bị đầu tư do cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị dự án đầu tư thẩm định và phê duyệt phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công (khoản 5 Điều 39); thẩm định TMĐT điều chỉnh; thẩm tra phục vụ thẩm định TMĐT chỉ thực hiện đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A hoặc dự án có kỹ thuật phức tạp, sử dụng công nghệ cao, thẩm quyền thẩm định TMĐT dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) đối với trường hợp lập báo cáo nghiên cứu khả thi và trường hợp lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật cho thống nhất với các quy định tại Nghị định quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Thứ sáu, sửa đổi để khắc phục các tồn tại khi triển khai thực hiện Nghị định 68/2019/NĐ-CP về dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng:
Quy định thẩm định dự toán xây dựng (DTXD) của dự án được phân kỳ đầu tư, được thực hiện trước đối với một số hạng mục, phần việc; thẩm quyền thẩm định dự toán chi phí cho các công việc chuẩn bị để lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công trình, dự toán chi phí khảo sát xây dựng; quy định rõ phạm vi thẩm tra và thẩm định về nội dung, trình tự, thẩm quyền cũng như việc sử dụng kết quả thẩm tra trong quá trình thẩm định; thẩm quyền sử dụng chi phí dự phòng
Thứ bảy, sửa đổi để khắc phục các tồn tại khi triển khai thực hiện Nghị định 68/2019/NĐ-CP về hệ thống định mức xây dựng, giá xây dựng:
Quy định đầy đủ về định mức xây dựng đối với các công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành, của địa phương; định mức điều chỉnh, định mức xây dựng mới; Quy định cấp có thẩm quyền thực hiện công bố giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy, giá thuê máy móc thiết bị thi công xây dựng thi công phù hợp với thực tế; bổ sung quy định đối với suất vốn đầu tư xây dựng công trình
Thứ tám, sửa đổi để khắc phục các tồn tại khi triển khai thực hiện Nghị định 68/2019/NĐ-CP về chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng:
Quy định về phạm vi trách nhiệm quản lý dự án của chủ đầu tư; bổ sung quy định đối với thuê tư vấn quản lý dự án đối với dự án sử dụng vốn NSNN nhưng không có tính chất đặc thù, riêng lẻ gây vướng mắc trong quá trình thực hiện. và thuê tổ chức tư vấn nước ngoài.
Thứ chín, bổ sung nội dung quản lý định mức và cơ sở dữ liệu theo Đề án hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng ban hành kèm theo Quyết định 2038/QĐ-TTg ngày 18/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 68 của Chính phủ về quản lý chi phí ĐTXD là rất cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong quản lý chi phí ĐTXD.
Xem chi tiết nội dung tại dự thảo Nghị định về quản lý chi phí ĐTXD.
Châu Thanh