Cấp Ủy phân công đảng viên tham gia hỗ trợ người nghèo (Ảnh minh họa)
Kết luận nêu rõ: Giảm nghèo là vấn đề kinh tế - xã hội lớn, không chỉ ở Việt Nam mà còn là vấn đề của toàn cầu.
Thời gian tới, để thực hiện giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn 2030 và Mục tiêu phát triển bền vững của thế giới giai đoạn 2015 - 2030 mà Liên hợp quốc đã thông qua, Việt Nam cần nỗ lực, quyết tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn nữa những nhiệm vụ sau đây:
- Đề nghị cả nước triển khai phong trào mới: Mỗi xã, phường, mỗi thôn bản xây dựng “mô hình giảm nghèo tiêu biểu” phù hợp với địa phương mình với cách làm sáng tạo hơn nữa.
Các địa phương khá hơn nhận hỗ trợ các huyện nghèo, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; cấp Ủy phân công đảng viên tham gia hỗ trợ người nghèo.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì nghiên cứu:
+ Trình Ban Bí thư chỉ đạo về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững đến năm 2030;
+ Trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm và phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 “Vì một Việt Nam không có đói nghèo”.
- Trước mắt, các cấp chính quyền địa phương cần hỗ trợ kịp thời người dân bị thiệt hại do lũ lụt ở các tỉnh miền Trung sửa chữa nhà cửa bị hư hại, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc, không để người dân không có chỗ ở, bị thiếu đói, bệnh tật; khẩn trương sửa chữa lại trường học, lớp học để 100% học sinh được đến trường.
Lãnh đạo tỉnh ủy, UBND các cấp, cần trực tiếp kiểm tra thực tế, chỉ đạo thực hiện các giải pháp cụ thể để mọi người dân được đón Tết cổ truyền đầy đủ, hạnh phúc.
Châu Thanh