Ban Dân vận Trung ương cho rằng nhiều lao động vẫn khó tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ - Ảnh: N.Q.P
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ Lao động - thương binh và xã hội, Y tế, Tài chính, Quốc phòng, Công thương, Giao thông vận tải, Thông tin và truyền thông theo chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, xử lý các nội dung đề xuất, kiến nghị của Ban Dân vận Trung ương, báo cáo Thủ tướng trường hợp vượt thẩm quyền.
Trước đó, trong văn bản gửi tới Thủ tướng, Ban Dân vận Trung ương cho biết số doanh nghiệp, công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đang tăng lên từng ngày.
Tính đến ngày 28-7, TP.HCM có 259 doanh nghiệp với 27.802 công nhân lao động bị phong tỏa, trên 15.037 công nhân lao động là F1 phải cách ly tập trung.
Tương tự, tại Bình Dương có 598 doanh nghiệp với 57.089 công nhân lao động bị phong tỏa, 22.744 công nhân lao động bị phong tỏa, 2.132 công nhân lao động là F0, 14.094 công nhân lao động là F1, 18.125 công nhân lao động là F2.
Nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng nên người lao động phải hạn chế đi lại, đặc biệt những công nhân lao động đang trong khu vực bị phong tỏa, cách ly không thể đến công ty ký kết văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; thực hiện sao y, công chứng giấy tờ chứng minh mình đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi…, để được hưởng trợ cấp theo quyết định 23/2021/QĐ-TTg quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (QĐ23). Điều này dẫn tới việc thực hiện hỗ trợ gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ người lao động ảnh hưởng dịch COVID-19 hiện nay quy định người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương phải đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ đến tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Nhưng trên thực tế nhiều người lao động chưa được tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ, hoặc đã tham gia bảo hiểm xã hội nhưng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội làm cho một bộ phận người lao động không nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ, mất quyền lợi bảo hiểm xã hội và mất cả quyền được hỗ trợ an sinh xã hội theo quy định.
Vì thế, Ban Dân vận Trung ương đề nghị Chính phủ thực hiện giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn về thủ tục để người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương hoặc ngừng việc được tiếp cận nhanh chóng, kịp thời gói hỗ trợ theo nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (NQ68), và theo QĐ23.
Ban cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các đơn vị doanh nghiệp nhà nước như điện, nước, xăng dầu, khí đốt, viễn thông tiếp tục có phương án giảm giá các sản phẩm, dịch phụ thiết yếu, hỗ trợ người dân trong mùa dịch bệnh.
Huy động quân đội hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện hạ tầng để xây dựng các khu lưu trú, khu cách ly tập trung, đảm bảo an toàn cho công nhân lao động tại các nhà máy có đông công nhân, nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp đang cố gắng thực hiện "3 tại chỗ" để duy trì sản xuất an toàn, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.
Ban Dân vận Trung ương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tránh tình trạng thiếu vắc xin mà vẫn có vắc xin bị hết hạn; nghiên cứu tiêm vắc xin dịch vụ để các doanh nghiệp có nhu cầu có thể tổ chức tiêm cho nhân viên; nghiên cứu lại việc xét nghiệm toàn dân, chỉ áp dụng xét nghiệm khi có ca F0, ưu tiên bệnh viện cho điều trị, dồn người cách ly ra khỏi bệnh viện trừ ca F0 nặng.
Đối với các tỉnh, thành phố, Ban Dân vận Trung ương đề nghị xem xét có kế hoạch ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân lao động để duy trì sản xuất, bảo đảm mục tiêu kép và việc làm cho công nhân.
Thực hiện hỗ trợ người lao động chưa được ký hợp đồng lao động, chưa được tham gia bảo hiểm xã hội như lao động tự do theo khoản 12, mục 2, NQ68 của Chính phủ. Theo đó, người lao động trong trường hợp này được nhận hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần, hoặc 50.000 đồng/người/ngày theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.
B.Ngọc