Nhiều giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế

14/11/2012 14:05 PM

(Chinhphu.vn)-Cơ cấu lại nền kinh tế là một nội dung nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn Chính phủ. Giải trình tại Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, với nhiều giải pháp mạnh mẽ, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đến nay đã có kết quả tích cực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Quốc hội. Ảnh VGP/Nhật Bắc


Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế được Chính phủ triển khai quyết liệt và nhiều giải pháp như xây dựng Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh. Ngay trong năm 2012 đã tập trung vào 3 lĩnh vực: tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế và tổng công ty; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Tái cơ cấu đầu tư: Đồng bộ nhiều giải pháp

Xây dựng khung pháp lý được xác định là biện pháp trọng tâm nhằm tái cơ cấu đầu tư công hiệu quả. Theo đó, Chính phủ hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, trình Quốc hội sửa Luật ngân sách nhà nước, ban hành Luật Đầu tư công... để tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.

Nội dung quan trọng của tái cơ cấu đầu tư là đầu tư công được điều chỉnh giảm dần tỷ trọng và nâng cao tính hiệu quả, kiên quyết khắc phục đầu tư dàn trải. Chính phủ chỉ đạo bộ ngành hoàn thiện cơ chế nhằm tăng trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn giám sát đối với chất lượng và tiến độ dự án.

Chính phủ đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân bổ vốn đầu tư, cân đối vốn đầu tư theo kế hoạch trung hạn; hoàn thiện cơ chế phân cấp đầu tư, bảo đảm quản lý thống nhất của Trung ương; nâng cao chất lượng quy hoạch để làm căn cứ xây dựng kế hoạch đầu tư.

Trước mắt, tập trung vốn cho các dự án quan trọng, ưu tiên vốn cho những công trình đã hoàn thành, cần thiết hoàn thành trong năm 2013 và vốn đối ứng cho các dự án ODA. Các dự án khởi công mới được kiểm soát chặt chẽ và xác định rõ nguồn vốn. Các dự án đầu tư bằng vốn nhà nước nhưng không có nguồn được chuyển sang hình thức đầu tư khác hoặc tạm dừng.

Nhu cầu vốn cho hạ tầng kinh tế, xã hội là rất lớn, trong khi nguồn vốn nhà nước hạn hẹp và nguồn ODA ang giảm dần, do vậy, Chính phủ xác định cơ cấu lại đầu tư song hành giải pháp thu hút vốn từ khu vực ngoài nhà nước như nâng cao hiệu quả vốn ODA tạo thuận lợi cho vận động, sửa đổi cơ chế hình thức đầu tư (BT, BOT, PPP) và đầu tư nước ngoài nhằm thu hút nhiều nguồn lực vào đầu tư hạ tầng, tăng năng lực sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Rõ trách nhiệm quản lý

Tháng 7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước được rà soát và phân loại để quyết định tỷ lệ tham gia vốn Nhà nước, theo hướng tập trung vào các lĩnh vực then chốt và địa bàn quan trọng, những doanh nghiệp cung cấp hàng hoá dịch vụ thiết yếu, công nghiệp nền tảng, công nghệ cao, có sức lan toả lớn.

Tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được thực hiện theo lộ trình, tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước theo loại hình phù hợp, áp dụng chế độ quản trị tiến tiến, minh bạch theo tiêu chí của công ty niêm yết. Doanh nghiệp nhà nước sẽ phải cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Những doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ điều tiết vĩ mô và thực hiện an sinh xã hội sẽ theo cơ chế đặt hàng của Nhà nước và hạch toán theo cơ chế thị trường.

Ngoài chấm dứt thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế, Chính phủ chỉ đạo đánh giá  các tập đoàn còn lại, sớm phê duyệt đề án tái cơ cấu của từng tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, yêu cầu thoái vốn khỏi các ngành nghề không phải chức năng chính.

Trong khi chưa có một cơ quan thực hiện chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ đang khẩn trương xây dựng để sớm ban hành nghị định mới về phân cấp quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ chủ sở hữu vốn nhà nước trong doanh nghiệp với quy định cụ thể đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ ngành, chính quyền cấp tỉnh, hội đồng thành viên và người đại diện phần vốn nhà nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ có nghị định riêng cho từng tập đoàn và tổng công ty lớn; tiến hành tổng kết Luật Doanh nghiệp năm 2005 để làm cơ sở xây dựng khuôn khổ quản lý hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; tăng cường công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp; đổi mới công tác cán bộ đối với nhân sự lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước.

Cơ cấu lại tổ chức tín dụng: Lành mạnh hóa hệ thống

Nhằm hình thành hệ thống tổ chức tín dụng an toàn, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng với lộ trình thực hiện cụ thể. Nhiệm vụ trong giai đoạn 2011-2015 là tập trung lành mạnh hóa tình hình tài chính, tăng cường năng lực, cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả của các tổ chức tín dụng.

Tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng được thực hiện đồng bộ bằng các giải pháp, phù hợp với tình trạng tài chính của từng tổ chức tín dụng. Công tác giám sát, thanh tra hệ thống tổ chức tín dụng được toàn diện, yêu cầu các ngân hàng yếu kém tự đưa ra phương án cơ cấu lại theo đúng quy định pháp luật và có lộ trình cụ thể. Đến nay, 6 ngân hàng được sắp xếp lại theo hướng này đã dần ổn định hoạt động, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền. Nhà nước không bỏ tiền cho quá trình sắp xếp lại những tổ chức tín dụng này.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện tiêu chí quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng, tăng cường giám sát và kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, bảo đảm an toàn hệ thống.  

Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế với đồng bộ các giải pháp toàn diện đã cho thấy những kết quả tích cực ban đầu cho thấy sự đúng hướng và hiệu quả, làm cơ sở cho sự chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2013 và trong dài hạn.

Quốc Đạt


Chia sẻ bài viết lên facebook 2,237

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079