Ngược đãi giúp việc gia đình bị xử lý như thế nào?

29/01/2022 13:44 PM

Do tính chất công việc, người giúp việc gia đình là đối tượng dễ bị ngược đãi, bạo hành cả về thể chất lẫn tinh thần. Vậy ngược đãi giúp việc gia đình bị xử lý như thế nào?

Ngược đãi giúp việc gia đình bị xử lý như thế nào? (Ảnh minh họa)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 183 Bộ luật Lao động 2019 thì ngược đãi người giúp việc gia đình là một hành vi bị nghiêm cấm.

Người có hành vi ngược đãi giúp việc gia đình có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:

1. Ngược đãi giúp việc gia đình có thể bị phạt đến tù chung thân

Tùy vào tỷ lệ tổn thương cơ thể mà hành vi ngược đãi người giúp việc gia đình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội hành hạ người khác hoặc tội cố ý gây thương tích.

- Đối với tội hành hạ người khác: Điều 140 Bộ luật Hình sự quy định mức phạt cao nhất là 03 năm tù.

- Đối với tội cố ý gây thương tích: Điều 134 Bộ luật Hình sự quy định mức phạt cao nhất là chung thân.

2. Ngược đãi giúp việc gia đình có thể bị phạt đến 75 triệu đồng

Cụ thể, tại khoản 4 Điều 30 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, hoặc dùng vũ lực đối với người lao động là người giúp việc gia đình nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, hành vi ngược đãi người giúp việc gia đình có thể bị phạt đến 75 triệu đồng.

(Trước đây, Nghị định 28/2020/NĐ-CP không quy định xử phạt đối với hành vi ngược đãi giúp việc gia đình)

3. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người giúp việc

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 thì người có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan quy định khác.

Như vậy, người ngược đãi giúp việc gia đình mà gây thiệt hại về sức khỏe,... thì có thể phải bồi thường nếu có yêu cầu.

- Thiệt hại mà người có hành vi ngược đãi giúp việc gia đình có thể phải bồi thường bao gồm:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

- Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra, người ngược đãi giúp việc gia đình còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người giúp việc gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

(Điều 590, 591 Bộ luật Dân sự 2015)

Diễm My

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,195

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079