Bổ sung trường hợp kiểm tra đột xuất các hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (Ảnh minh họa)
Theo đó, có 03 hình thức kiểm tra hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cụ thể:
- Kiểm tra định kỳ: được tiến hành trên cơ sở kế hoạch kiểm tra hàng năm được cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 4 Thông tư 02/2022/TT-BKHĐT phê duyệt.
- Kiểm tra đột xuất: được thực hiện theo từng vụ việc, trên cơ sở yêu cầu quản lý và tình hình thực tế hoặc trên cơ sở đề nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về những vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động đầu tư hoặc trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách về đầu tư nước ngoài hoặc có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
- Kiểm tra chuyên ngành: được tiến hành theo quy định của pháp luật chuyên ngành và trên cơ sở yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nhằm đánh giá tình hình thực hiện các quy định của pháp luật liên quan tới lĩnh vực quản lý theo thẩm quyền.
Như vậy, so với hiện hành đã bổ sung trường hợp kiểm tra hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: "Có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và dự án có vốn đầu tư nước ngoài".
Ngoài ra, Thông tư 02/2022/TT-BKHĐT còn quy định các cách thức kiểm tra hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như sau:
- Tùy theo nội dung và tình hình thực tế, cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiểm tra bằng các cách thức:
+ Thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư;
+ Thông qua báo cáo;
+ Tổ chức đoàn kiểm tra, đoàn công tác.
- Căn cứ nhiệm vụ cụ thể, một cuộc kiểm tra có thể được thực hiện theo một cách thức hoặc kết hợp các cách thức kiểm tra nêu trên để đạt được hiệu quả cao nhất.
Thông tư 02/2022/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 01/04/2022 và thay thế Thông tư 09/2016/TT-BKHĐT.
Diễm My