Trường hợp bắt buộc và không bắt buộc có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu

05/02/2022 14:55 PM

Chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu là gì? Những trường hợp nào bắt buộc và không bắt buộc có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu? Những thắc mắc này sẽ được THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp ngay sau đây:

Trường hợp bắt buộc và không bắt buộc có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu

Trường hợp bắt buộc và không bắt buộc có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu (ảnh minh họa)

1. Chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu là gì?

Thuật ngữ “Chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu” được nhắc đến tại khoản 2 Điều 16 Luật đấu thầu 2013 khi quy định điều kiện đối với các cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu.

Chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu là một bản chứng nhận được sử dụng để chứng nhận về năng lực, về khả năng được phép trong các hoạt động đấu thầu của các cá nhân và các tổ chức trong xây dựng và các lĩnh vực có liên quan. 

Quy định chi tiết đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành tại Thông tư 04/2019/TT-BKHĐT.

2. Đối tượng bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu

Tại khoản 2 Điều 16 Luật đấu thầu 2013 và khoản 1 Điều 11 Thông tư 04/2019/TT-BKHĐT, các cá nhân bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu khi tham gia các hoạt động được nêu tại khoản 2 Điều 16 là:

- Cá nhân thuộc doanh nghiệp hoạt động tư vấn đấu thầu hoặc đơn vị hoạt động tư vấn đấu thầu; cá nhân hoạt động tư vấn độc lập về đấu thầu;

- Cá nhân thuộc ban quản lý dự án chuyên nghiệp: là các ban quản lý dự án chuyên ngành, ban quản lý dự án khu vực theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc ban quản lý dự án được thành lập để thực hiện công tác quản lý dự án chuyên nghiệp, quản lý cùng lúc nhiều dự án hoặc các dự án kế tiếp, gối đầu, hết dự án này đến dự án khác;

- Cá nhân thuộc đơn vị mua sắm tập trung chuyên trách: là đơn vị được thành lập để chuyên trách thực hiện việc mua sắm tập trung và hoạt động mua sắm mang tính thường xuyên, liên tục;

- Cá nhân khác có nhu cầu.

Các cá nhân nêu trên sẽ phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu khi tham gia vào các hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật đấu thầu 2013 bao gồm:

- Lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

- Đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất.

3. Đối tượng không bắt buộc có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu

Khoản 6 Điều 11 Thông tư 04/2019/TT-BKHĐT quy định các trường hợp sau không thuộc đối tượng bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu:

- Cá nhân thuộc ban quản lý dự án được thành lập để thực hiện từng dự án cụ thể và ban quản lý dự án này sẽ giải thể sau khi kết thúc dự án;

- Cá nhân thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập tham gia vào các công việc nêu tại khoản 2 Điều 16 Luật đấu thầu 2013 theo nhiệm vụ được giao, trừ cá nhân thuộc đối tượng bắt buộc có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu đã nêu trên;

- Cá nhân tham gia vào các công việc nêu tại khoản 2 Điều 16 Luật đấu thầu 2013 trong mua sắm tập trung theo mô hình kiêm nhiệm, không thường xuyên, liên tục;

Các đối tượng nêu trên tuy không bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu nhưng khi tham gia vào hoạt động đấu thầu phải có chứng chỉ đào tạo đấu thầu cơ bản.

Như Mai

Chia sẻ bài viết lên facebook 9,162

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079