Vụ nổ nhà "Phương khói lửa": Buông lỏng quản lý vật liệu nổ phim trường?

26/02/2013 10:44 AM

Vụ cháy nổ làm 10 người chết tại P.8, Q.3 TPHCM đã gióng lên hồi chuông báo động về an toàn cháy nổ. Về khía cạnh pháp luật, các luật sư cho rằng, cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý vật liệu cháy nổ trong hoạt động làm phim.

Liên quan đến vụ cháy nổ làm 6 người trong gia đình ông Lê Minh Phương, biệt danh “Phương khói lửa” và 4 người khác tử vong, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc Hãng luật Giải Phóng (Đoàn Luật sư TPHCM) về khía cạnh pháp lý xung quanh sự vụ này.

 

Luật sư đánh giá như thế nào về vụ cháy nổ vừa xảy ra tại nhà kho của công ty Lạc Việt, làm 10 người chết?.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng: Trước hết, chúng tôi gửi lời chia buồn đến gia đình anh Phương và các nạn nhân xấu số. Vụ nổ mặc dù là một tai nạn nhưng gây hậu quả nghiêm trọng nên công an TPHCM đã quyết định khởi tố vụ án để điều tra tìm hiểu nguyên nhân.

 

Vụ nổ này sẽ là hồi chuông cảnh báo cho các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, kiểm tra và hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật liệu nổ. Trong đó, đặc biệt là vai trò quản lý từ phía cơ quan nhà nước đối với hoạt động sử dụng vật liệu nổ tại các nhà sản xuất phim.

 

Qua sự viêc, chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động này thì nhận thấy, chưa có quy định nào quy định pháp luật nào điều chỉnh trực tiếp đến hoạt động sản xuất, sử dụng vật liệu nổ được sử dụng trong quá trình sản xuất phim. Quả thực đó là một “lỗ hổng pháp luật” nghiêm trọng.

 

Như vậy, để hoạt động điều tra được khách quan, cơ quan điều tra cần làm rõ các vấn đề nào?

Theo tôi, cơ quan điều tra cần làm rõ 3 vấn đề. Đó là, Công ty Lạc Việt có sản xuất, bảo quản và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hay không?; Hoạt động sử dụng vật liệu nổ để phục vụ cho sản xuất phim có được Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ điều chỉnh?; và xem xét trách nhiệm quản lý từ phía cơ quan nhà nước địa phương?.

 

Luật sư Kiều Hưng (Ảnh: Tú Quyên)

 

Luật sư có thể nói rõ hơn những quy định pháp lý trong sự việc này?.

Về vấn đề Công ty Lạc Việt có sản xuất, bảo quản và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hay không thì phải căn cứ theo quy định của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 30/6/2011 và Nghị định 39/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 về vật liệu nổ công nghiệp.

 

Còn hoạt động sử dụng vật liệu nổ để phục vụ cho sản xuất phim có được Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ điều chỉnh hay không thì tại điểm b, khoản 1 điều 27, pháp lệnh này cho thấy, công ty Lạc Việt không có hoạt động “khai thác khoáng sản, dầu khí hoặc công trình xây dựng, nghiên cứu, thử nghiệm cần sử dụng vật liệu nổ công nghiệp” .

 

Trong trường hợp, các cơ quan chức năng xác định thứ thuốc nổ mà công ty Lạc Việt sử dụng là “vật liệu nổ công nghiệp” và được điều chỉnh bởi Pháp lệnh này thì công ty Lạc Việt có đầy đủ các giấy phép sau mới được xem là hợp pháp, gồm: Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy; Giấy chứng nhận kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp; Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ (nếu có sản xuất); Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

 

Sau một ngày xảy ra vụ nổ, hiện trường vẫn được phong tỏa nhưng nhiều người hiếu kỳ vẫn tụ tập xem

 

Ở trên, luật sư có đề cập đến trách nhiệm quản lý nhà nước. Vậy trách nhiệm quản lý từ phía cơ quan nhà nước địa phương được xác định như thế nào?.

Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp được quy định tại Điều 45 Nghị định 39/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 và Điều 42 Nghị định 39/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 54/2012/NĐ-CP.

 

Theo đó, Điều 45 quy định:

1. Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp tại địa phương theo phân cấp của Chính phủ, quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Ban hành Quy chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trên địa bàn phù hợp với quy định pháp luật và tình hình của địa phương. Tổ chức triển khai tại địa phương việc ứng phó sự cố vật liệu nổ công nghiệp trên đường vận chuyển và tại khu vực bảo quản, bốc dỡ vật liệu nổ công nghiệp.

2. Sở Công Thương là cơ quan chuyên môn đầu mối giúp Uỷ ban thực hiện quản lý hoạt động vật liệu nổ công nghiệp tại địa phương.

 

Điều 42 Nghị định 39/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 54/2012/NĐ-CP quy định:

1. Tổ chức kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy cho các tổ chức hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trước khi cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ. Tổ chức kiểm tra, cấp Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp cho các đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng. Tổ chức cấp Giấy phép vận chuyển tiền chất thuốc nổ theo quy định pháp luật về vận chuyển hàng nguy hiểm.

2. Phối hợp với Bộ Công Thương kiểm tra việc thực hiện các quy định về an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động vật liệu nổ công nghiệp.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng quy định, hướng dẫn về tạm ngừng cấp Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp trong các trường họp cần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội khi có hoạt động cấp quốc gia hoặc ở những khu vực nhạy cảm về an ninh chính trị.”

 

“Trách nhiệm của các cơ quan chức năng là như thế. Chưa biết kết quả điều tra của các cơ quan chức năng sẽ như thế nào nhưng chắc chắn, qua sự việc, một “lỗ hổng pháp luật” đã hé lộ và cho thấy công tác quản lý, kiểm tra các hoạt động an toàn, phòng cháy, chữa cháy và sản xuất, sử dụng “vật liệu nổ công nghiệp” trong hoạt động sản xuất phim ảnh đang bị buông lỏng quản lý”, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng phân tích.

 

Điều 27. Sử dụng vật liệu nổ công nghiệp .

1. Tổ chức, đơn vị sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký kinh doanh hoạt động ngành nghề, lĩnh vực cần sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

b) Có hoạt động khai thác khoáng sản, dầu khí hoặc công trình xây dựng, nghiên cứu, thử nghiệm cần sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

c) Có kho chứa, công nghệ, thiết bị, phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;

d) Có địa điểm sử dụng vật liệu nổ công nghiệp bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự;

đ) Người quản lý, chỉ huy nổ mìn, thợ nổ mìn và những người khác có liên quan đến việc nổ mìn phải đáp ứng yêu cầu về an ninh, trật tự; có đủ trình độ chuyên môn tương xứng với vị trí, chức trách đảm nhiệm, được huấn luyện về kỹ thuật phòng cháy và chữa cháy.

 

Công Quang (thực hiện)

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,650

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079