Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định rõ chế tài về thu hồi đất của các dự án treo. Theo ông Hiển, điểm mới của dự thảo Luật lần này là chủ trương chưa giao thuê đất ngay cho chủ dự án. Sau thời gian ba năm không thực hiện được, dự án đó đương nhiên hủy bỏ, người dân cũng thực hiện các quyền của họ và đất sẽ không để lãng phí như trước đây. Còn đối với các dự án đã giao thuê đất, sẽ có các mốc thời hạn được phân chia cụ thể: Dự án nào chưa triển khai thì sau 12 tháng sẽ thu hồi đất. Dự án nào triển khai rồi thì thời hạn triển khai là 24 tháng.
Việc gia hạn chỉ tiến hành một lần và tối đa là 12 tháng. Đây là điểm hoàn toàn mới bởi Luật trước đây không quy định gia hạn cụ thể về thời gian cho các dự án này.
Việc giám sát tiến độ thực hiện dự án cũng tăng cường hơn từ lúc bắt đầu triển khai cho đến khi kết thúc dự án, chủ đầu tư cũng phải thường xuyên có báo cáo quá trình thực hiện dự án, thay vì kiểm tra, thanh tra đột xuất như trước đây. “Nếu nhà đầu tư thấy không làm được mà trả đất trước thời hạn gia hạn thì Nhà nước sẽ có phương án thanh toán quỹ đất này. Sẽ rất sòng phẳng trong câu chuyện này. Còn nếu nhà đầu tư nào vẫn cố tình chây ỳ, cố tình giữ dự án thì bắt buộc phải có phương án thu hồi đất” – Thứ trưởng Hiển nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến thu hồi đất, để khắc phục tình trạng thu hồi đất tràn lan thời gian qua, cơ quan chức năng thực hiện chủ yếu theo hai cơ chế: chỉ định chủ đầu tư và Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch và đặc biệt là kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Trước đây thẩm quyền thu hồi đất thuộc UBND, nhưng điểm mới của Dự luật là phải thông qua sự giám sát của HĐND. “Các kế hoạch thu hồi đất hàng năm được lập ra phải qua HĐND xem xét, theo đó sẽ tránh chuyện thu hồi tràn lan” – Thứ trưởng Hiển nói. Ngoài ra, các dự án về thu hồi đất trước đó chậm triển khai, bỏ hoang, nhất quyết sẽ không được giao dự án mới cho đến khi hoàn thiện các dự án dang dở.
Cũng trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), vấn đề tài chính đất đai và giá đất (Chương 8) sẽ có một số điểm mới như: Bổ sung quy định về văn cứ tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (Điều 103), Quy định về nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích sử dụng đất (Điều 104); Bổ sung thêm các trường hợp miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất gồm: Sử dụng đất để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới, hải đảo; UBND cấp tỉnh lập Quỹ phát triển đất để ứng vốn nhằm chủ động tạo quỹ đất “sạch” theo kế hoạch sử dụng đất.
Khung giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm/lần và sẽ được công bố vào ngày 1.1 của năm đầu kỳ. Khi giá đất tăng, giảm 20% so với khung giá đất, giá đất thuộc khu giáp ranh và thời gian tăng hoặc giảm liên tục từ 180 ngày trở lên thì Chính phủ sẽ điều chỉnh khung giá đất. Đối với đất nông nghiệp, Dự thảo cũng quy định hướng làm rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp.
Dự thảo Luật Đất đai (sử đổi) đưa ra lấy ý kiến nhân dân gồm 14 chương và 206 điều, tăng 7 chương và 60 điều so với Luật Đất đai năm 2003. Theo kế hoạch, việc lấy ý kiến người dân kéo dài đến hết tháng 3 và dự thảo luật phải được hoàn thiện và gửi Thường vụ Quốc hội trước 10.5.
Để tham khảo thêm thông tin về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) , người dân có thể tham khảo tại địa chỉ website: http://www.monre.gov.vn/v35/default.aspx?tabid=671&CateID=169. Thư đóng góp ý kiến tại địa chỉ: gopyluatdatdai@gmail.com.