Hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là gì?

07/10/2022 10:50 AM

Xin hỏi hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai được quy định thế nào theo Thông tư 11/2022/TT-NHNN? – Trúc Nhi (Đồng Tháp).

Hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là gì?

Hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là gì?

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là gì?

Thông tư 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành 30/9/2022.

Trong đó, hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là thỏa thuận cấp bảo lãnh giữa ngân hàng thương mại với chủ đầu tư và các bên liên quan khạc (nếu có) về việc ngân hàng thương mại chấp thuận bảo lãnh cho chủ đầu tư trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Trình tự thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai:

Theo khoản 4 Điều 13 Thông tư 11/2022/TT-NHNN, trình tự thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai như sau:

- Căn cứ đề nghị của chủ đầu tư hoặc bên bảo lãnh đối ứng, ngân hàng thương mại xem xét, thẩm định và quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư;

- Ngân hàng thương mại và chủ đầu tư ký hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản và quy định tại khoản 13 Điều 3, Điều 15 Thông tư 11/2022/TT-NHNN;

- Sau khi ký hợp đồng mua, thuê mua nhà ở, trong đó có quy định nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư, chủ đầu tư gửi hợp đồng mua, thuê mua nhà ở cho ngân hàng thương mại để đề nghị ngân hàng thương mại phát hành thư bảo lãnh cho bên mua;

- Ngân hàng thương mại căn cứ hợp đồng mua, thuê mua nhà ở và hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai để phát hành thư bảo lãnh và gửi cho từng bên mua hoặc gửi chủ đầu tư để cung cấp thư bảo lãnh cho bên mua theo thỏa thuận.

Thời hạn hiệu lực của hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai

Hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai có hiệu lực kể từ thời điểm ký cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh của toàn bộ các thư bảo lãnh cho bên mua hết hiệu lực theo quy định tại Điều 23 Thông tư 11/2022/TT-NHNN và mọi nghĩa vụ của chủ đầu tư đối với ngân hàng thương mại theo hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai đã hoàn thành.

Cụ thể, theo Điều 23 Thông tư 11/2022/TT-NHNN thì nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt trong các trường hợp sau:

- Nghĩa vụ của bên được bảo lãnh chấm dứt.

- Nghĩa vụ bảo lãnh đã được thực hiện theo đúng cam kết bảo lãnh.

- Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác theo thỏa thuận của bên nhận bảo lãnh và bên bảo lãnh, các bên liên quan khác (nếu có).

- Cam kết bảo lãnh đã hết hiệu lực.

- Bên nhận bảo lãnh miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho bên bảo lãnh.

- Theo thỏa thuận của các bên.

- Nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Nội dung của hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai

Ngoài các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư 11/2022/TT-NHNN (trừ nội dung tại điểm h và điểm i trong trường hợp bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối ứng), hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai còn phải có các nội dung sau:

(i) Ngân hàng thương mại có nghĩa vụ phát hành thư bảo lãnh cho bên mua khi nhận được hợp đồng mua, thuê mua nhà ở do chủ đầu tư gửi đến trước thời hạn giao, nhận nhà theo cam kết quy định tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở;

(ii) Ngân hàng thương mại và chủ đầu tư thỏa thuận cụ thể về việc ngân hàng thương mại hoặc chủ đầu tư có nghĩa vụ gửi thư bảo lãnh cho bên mua sau khi ngân hàng thương mại phát hành thư bảo lãnh;

(iii) Nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư;

(iv) Hồ sơ bên mua gửi cho ngân hàng thương mại yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh phải kèm theo thư bảo lãnh do ngân hàng thương mại phát hành cho bên mua.

Tại khoản 2 Điều 15 Thông tư 11/2022/TT-NHNN thì thỏa thuận cấp bảo lãnh phải có các nội dung sau:

a) Pháp luật áp dụng. Trường hợp không quy định cụ thể pháp luật áp dụng thì được hiểu các bên thỏa thuận áp dụng theo pháp luật Việt Nam;

b) Thông tin về các bên trong quan hệ bảo lãnh;

c) Nghĩa vụ được bảo lãnh;

d) Số tiền bảo lãnh, đồng tiền bảo lãnh;

đ) Hình thức phát hành cam kết bảo lãnh;

e) Điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;

g) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

h) Phí bảo lãnh;

i) Thỏa thuận về bắt buộc nhận nợ trả thay, lãi suất áp dụng đối với số tiền trả thay và nghĩa vụ hoàn trả nợ khi phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;

k) Số hiệu, ngày ký, hiệu lực của thỏa thuận cấp bảo lãnh;

l) Giải quyết tranh chấp phát sinh;

m) Các nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.

Thông tư 11/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/4/2022.

Châu Thanh

Chia sẻ bài viết lên facebook 9,470

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079