Theo luật, trong một số trường hợp, nếu người phạm tội không tự mời luật sư thì cơ quan tố tụng phải tìm người bào chữa. Đây là một quy định nhân văn nhưng thực tế chất lượng bào chữa của luật sư chỉ định chưa cao, còn nặng tính hình thức...
Mới đây, TAND TP Đà Nẵng xét xử một bị cáo bị truy tố về tội giết người theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự (khung hình phạt từ 12 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình). Do trước đó bị cáo và gia đình không mời luật sư nên tòa đã chỉ định luật sư bào chữa cho bị cáo.
Trong phần xét hỏi, vị luật sư bào chữa theo chỉ định này không tham gia, không hỏi một câu nào với lý do “nội dung vụ án đã rõ”.
Tới phần luận tội, đại diện VKS cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo rất nguy hiểm, cố ý tước đoạt mạng sống của người khác, phạm tội có tính chất côn đồ… Tuy nhiên, do bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ là nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng, đang có con nhỏ nên đại diện VKS chỉ đề nghị tòa tuyên phạt án tù chung thân.
Tranh luận lại, luật sư chỉ đứng lên nói vẻn vẹn một câu: “Tôi thống nhất về tội danh và khung hình phạt mà VKS truy tố, chỉ xin tòa xem xét giảm nhẹ vì bị cáo… có nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng, con đang còn nhỏ”.
Một kiểm sát viên VKSND TP Đà Nẵng cho biết quá trình ngồi ghế công tố trong các vụ án hình sự có luật sư bào chữa chỉ định, ông đã gặp rất nhiều tình huống tương tự. Một câu khá phổ biến của các luật sư là “tôi không tranh luận về tội danh hay khung hình phạt, chỉ xin tòa xem xét giảm nhẹ cho bị cáo với các tình tiết giảm nhẹ sau đây…”. Trong khi đó, những tình tiết giảm nhẹ mà luật sư trình bày thì đã được chính đại diện VKS nêu trong phần luận tội trước đó rồi.
“Hiện tượng này khiến cho nhiều người có tâm lý rằng luật sư chỉ định tham gia phiên tòa chỉ là hình thức, chỉ có mặt cho đủ thủ tục tố tụng mà thôi, nói gì đến chất lượng tranh tụng hay nhiệt huyết bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị cáo”, vị kiểm sát viên nói.
Nhiều luật sư thừa nhận đúng là đã và đang có hiện tượng một số luật sư bào chữa theo chỉ định chỉ tham gia tố tụng cho có, ra tòa thì ít hỏi, không tranh luận, chỉ làm động thái đơn giản là tìm một vài tình tiết giảm nhẹ của bị cáo để đề nghị tòa xem xét khi lượng hình.
Về nguyên nhân, một luật sư lớn tuổi thẳng thắn cho biết bào chữa theo chỉ định là nghĩa vụ của luật sư. Tuy nhiên, trong thời buổi vật giá tăng vùn vụt như hiện nay, thù lao cho luật sư chỉ định vẫn chỉ có 120.000 đồng một ngày xét xử và không quá 300.000 đồng một vụ án. “Thù lao chỉ mang tính tượng trưng, không đủ đổ xăng xe đi lại, trong khi thanh toán với cơ quan tố tụng thì thủ tục lại nhiêu khê, rườm rà. Do đó, một số người không chịu đầu tư công sức, thời gian, chi phí để nghiên cứu bút lục, tiếp xúc nghi can, đào sâu tìm hiểu các ngóc ngách của vụ án để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nghi can một cách tốt nhất”.
Thường xuyên được mời ở “phút 89”?
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác mà các luật sư chỉ ra là nhiều vụ án, luật sư chỉ được mời trước khi tòa mở phiên xử vài ngày, vài giờ, thậm chí… vài phút. Thời gian eo hẹp quá khiến luật sư không thể kịp gặp gỡ thân chủ hay nghiên cứu kỹ hồ sơ.
Chẳng hạn, giữa năm 2010, TAND thành phố Cần Thơ chuẩn bị xét xử một vụ hiếp dâm trẻ em. Bị cáo không mời luật sư nhưng thuộc trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa nên tòa ra văn bản yêu cầu đoàn luật sư cử luật sư. Không hiểu sao văn bản này lại bị thất lạc, không đến được đoàn luật sư nên đoàn luật sư không biết để chỉ định. Hệ quả là ngày phiên tòa diễn ra thì không có luật sư. Vị thư ký phiên tòa phải chạy đôn chạy đáo tìm luật sư thay thế và gặp được một luật sư tới tham gia một phiên tòa dân sự nhưng vừa bị tạm hoãn. Sau khi nghe thư ký nhờ vả, vị luật sư này đã nhận lời ngay và vội vàng vào phòng xử… xem cáo trạng rồi bào chữa luôn cho bị cáo.
Một người thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai kể mới đây ông được phân công bào chữa chỉ định cho một bị cáo trong một vụ cố ý gây thương tích. Ra tòa, luật sư bào chữa chỉ định cho một bị cáo khác cùng vụ vắng mặt nên tòa đã nhờ ông bào chữa luôn. Bị cáo đồng ý nhưng luật sư từ chối bởi lời khai của bị cáo với thân chủ của ông có mâu thuẫn, chưa kể ông không tiếp xúc trước, không thật sự chú tâm tìm hiểu các tình tiết liên quan đến bị cáo này nên e rằng sẽ không bào chữa tốt được.
Theo luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn Luật sư TP HCM) và một thẩm phán TAND Đà Nẵng, chính việc luật sư chỉ định có quá ít thời gian tham gia vụ án trước phiên tòa như vậy đã khiến cho việc bào chữa khó mà đạt chất lượng. Mà chuyện này thì cần phải xem lại từ cả phía cơ quan tố tụng lẫn các cơ quan liên quan như đoàn luật sư...
Dương Hằng
Theo Pháp luật TP HCM
Những trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa Trong những trường hợp sau đây, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án phải yêu cầu đoàn luật sư phân công văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình: a) Bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình được quy định tại Bộ luật hình sự. b) Bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Trong các trường hợp quy định tại điểm a và b khoản 2 điều này, bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa. Khoản 2 Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự
Theo cảm tính thì chất lượng còn thấp Hiện nay chưa có khảo sát chính thức nào để khẳng định chất lượng luật sư bào chữa theo chỉ định không cao. Tuy nhiên, theo cảm tính của tôi thì đúng là chất lượng bào chữa chỉ định của luật sư đang còn thấp. Luật sư TRẦN CẢNH NHỨT, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng
Thời gian eo hẹp, chất lượng sẽ giảm Thời gian nghiên cứu vụ án eo hẹp khiến cho luật sư khó lòng nắm chắc được nội dung vụ án, khó có cơ hội tìm những chứng cứ mới hay những lý lẽ, bằng chứng xác đáng để tranh luận. Nhiều phiên tòa có luật sư chỉ định, chất lượng tranh tụng rất tẻ nhạt… Luật sư NGUYỄN TẤN THANH, Đoàn Luật sư TP.HCM |