Tổng cục Hải quan ban hành ban hành Công văn 4044/TCHQ-CCHĐH ngày 28/9/2022 hướng dẫn thủ tục hải quan, chính sách thuế và tiêu chí đánh giá doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực sản xuất và doanh nghiệp thương mại.
Tổng cục Hải quan giải đáp 17 vướng mắc về thuế - hải quan
Trong đó, Tổng cục Hải quan đã giải đáp 17 vướng mắc và hướng dẫn liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, gồm 11 vướng mắc về thuế; 05 vướng mắc về thủ tục, chính sách và 01 vướng mắc về tiêu chí đánh giá doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực sản xuất và doanh nghiệp thương mại, đơn cử như:
1. Vướng mắc trong cách hiểu và áp dụng hướng dẫn của Tổng cục Hải quan về chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP
Về việc thực hiện Nghị định 15/2022/NĐ-CP, nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc trong thực tiễn khi các cơ quan Hải quan có cách hiểu khác nhau về mức thuế suất thuế GTGT cho nhiều mặt hàng nhập khẩu.
Sau khi Nghị định 15/2022/NĐ-CP được ban hành, Tổng cục Hải quan đã ban hành các Công văn 370/TCHQ-TXNK ngày 28/01/2022, số 521/TCHQ-TXNK ngày 18/02/2022, số 642/TCHQ-TXNK ngày 25/02/2022 để hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố và doanh nghiệp cách xác định, loại trừ những mặt hàng không được giảm thuế GTGT theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP.
Trong đó, tại Điểm 3.1 của Công văn 642/TCHQ-TXNK, Tổng cục Hải quan hướng dẫn: “Hàng hóa nhập khẩu không được giảm thuế GTGT là hàng hóa đáp ứng điều kiện (i) có tên sản phẩm nêu tại cột 8 “tên sản phẩm” và được mô tả nội dung của sản phẩm tại cột 9 “nội dung” (trường hợp không có mô tả nội dung tại cột 9 thì áp dụng tên sản phẩm tại cột 8) của Phụ lục I, phần A Phụ lục III hoặc tại cột 3 “hàng hóa” phần B Phụ lục III và (ii) có mã HS quy định theo Chương (02 chữ số), Nhóm (04 chữ số), Phân nhóm (06 chữ số) và mặt hàng (08 chữ số) nêu tại cột 10 Phụ lục I, cột 10 phần A Phụ lục III, cột 4 phần B Phụ lục III, thực hiện như sau:...”.
Như vậy, theo hướng dẫn nêu trên của Tổng cục Hải quan thì chỉ những loại hàng hóa thỏa mãn cả 02 điều kiện sau thì mới không được giảm thuế suất thuế GTGT theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP:
• Điều kiện (i): hàng hóa nhập khẩu có tên sản phẩm được liệt kê tại Phụ lục I, Phụ lục II hoặc Phụ lục III Nghị định 15/2022/NĐ-CP; và
• Điều kiện (ii): hàng hóa nhập khẩu đó có mã HS nêu tại cột 10 Phụ lục I hoặc cột 10 Phần A Phụ lục III hoặc cột 4 Phần B Phụ lục III Nghị định 15/2022/NĐ-CP.
Tuy nhiên trong thực tế thì có cơ quan Hải quan cho rằng chỉ cần mặt hàng nhập khẩu thỏa điều kiện (ii) nêu trên, tức là mã HS của hàng hóa nhập khẩu thuộc chương, nhóm, phân nhóm HS nêu tại cột 10 Phụ lục I hoặc cột 10 Phần A Phụ lục III hoặc cột 4 Phần B Phụ lục III của Nghị định 15/2022/NĐ-CP là mặt hàng nhập khẩu đó đã bị loại trừ và không được giảm thuế GTGT theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP.
Doanh nghiệp cho rằng cách hiểu như trên là chưa đúng với hướng dẫn của Tổng cục Hải quan và tạo ra nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp bởi lẽ doanh nghiệp có thể sẽ gặp khó khăn khi kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào, đầu ra với cơ quan Thuế vì cơ quan Thuế có thể sẽ có quan điểm là mặt hàng đó thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP.
Giải đáp:
Ngày 28/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế. Để hướng dẫn thực hiện Nghị định 15/2022/NĐ-CP, Tổng cục Hải quan đã có Công văn 370/TCHQ-TXNK ngày 28/1/2022, số 521/TCHQ-TXNK ngày 18/2/2022 và số 642/TCHQ-TXNK ngày 24/2/2022 hướng dẫn thực hiện kê khai thuế suất thuế GTGT, xác định tên và áp dụng mã HS của hàng hóa nhập khẩu không được giảm thuế GTGT theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ.
Tại điểm 3.1 Công văn 642/TCHQ-TXNK ngày 24/2/2022 của Tổng cục Hải quan đã hướng dẫn rõ: “3.1. Hàng hóa nhập khẩu không được giảm thuế GTGT là hàng hóa đáp ứng điều kiện (i) có tên sản phẩm nêu tại cột 8 “tên sản phẩm” và được mô tả nội dung của sản phẩm tại cột 9 “nội dung” (trường hợp không có mô tả nội dung tại cột 9 thì áp dụng tên sản phẩm tại cột 8) của Phụ lục I, phần A Phụ lục III hoặc tại cột 3 “hàng hóa” phần B Phụ lục III và (ii) có mã HS quy định theo Chương (02 chữ số), Nhóm (04 chữ số), Phân nhóm (06 chữ số) và mặt hàng (08 chữ số) nêu tại cột 10 Phụ lục I, cột 10 phần A Phụ lục III, cột 4 phần B Phụ lục III, thực hiện như sau:
a) Trường hợp tại cột 10 Phụ lục I, cột 10 phần A phụ lục III, cột 4 phần B phụ lục III chỉ nêu số Chương HS thì toàn bộ hàng hóa thuộc Chương đó đáp ứng điều kiện, (i) nêu trên là hàng hóa nhập khẩu không được giảm thuế GTGT.
b) Trường hợp tại cột 10 Phụ lục I, cột 10 phần A phụ lục III, cột 4 phần B phụ lục III nêu số Chương, chi tiết số Nhóm thì toàn bộ hàng hóa thuộc Nhóm đó đáp ứng điều kiện (i) nêu trên là hàng hóa nhập khẩu không được giảm thuế GTGT.
c) Trường hợp tại cột 10 Phụ lục I, cột 10 phần A phụ lục III, cột 4 phần B phụ lục III nêu số Chương, số Nhóm và chi tiết số Phân nhóm thì toàn bộ hàng hóa thuộc Phân nhóm đó đáp ứng điều kiện (i) nêu trên là hàng hóa nhập khẩu không được giảm thuế GTGT.
d) Trường hợp cột 10 Phụ lục I, cột 10 phần A phụ lục III, cột 4 phần B phụ lục III nêu số Chương, số Nhóm, Phân nhóm và chi tiết mã số mặt hàng theo 8 chữ số thì toàn bộ hàng hóa thuộc mã HS 08 chữ số đáp ứng điều kiện (i) nêu trên là hàng hóa nhập khẩu không được giảm thuế GTGT.”
Do đó, đề nghị doanh nghiệp căn cứ Công văn 642/TCHQ-TXNK nêu trên để thực hiện. Nội dung Công văn 642/TCHQ-TXNK của TCHQ được áp dụng thống nhất trong toàn ngành hải quan. Trường hợp phát hiện có nội dung không thống nhất trong thực hiện giữa các đơn vị Hải quan đề nghị doanh nghiệp phản ánh cụ thể để TCHQ có văn bản chấn chỉnh.
2. Vướng mắc hoàn thuế nhập khẩu cho hàng chuyển đổi mục đích sử dụng
Theo quy định hiện hành tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, Nghị định 134/2016/NĐ-CP và Nghị định 18/2021/NĐ-CP, DNCX và DN không phải là DNCX khi nhập khẩu hàng hóa là nguyên liệu, vật tư để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu thì không thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu hoặc được miễn thuế nhập khẩu.
Trong quá trình hoạt động, do nhiều nguyên nhân (Covid-19 làm giảm năng lực sản xuất hoặc giảm đơn đặt hàng, nguyên vật liệu nhập khẩu lưu kho dài ngày cần thanh lý, cung ứng nguyên vật liệu đột xuất theo yêu cầu các nhà máy sản xuất ở nước ngoài để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng), DNCX và DN không phải là DNCX có thể sẽ phải bán thanh lý một phần nguyên vật liệu nhập khẩu không chịu thuế hoặc được miễn thuế này.
Theo khoản 5, Điều 25 Nghị định 08/2015/NĐ-CP (được sửa đổi tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP) thì khi thay đổi mục đích sử dụng hàng nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế hoặc miễn thuế thì người nhập khẩu hàng hóa phải khai báo tờ khai chuyển mục đích sử dụng A42 cho lượng hàng hóa dự kiến thay đổi mục đích sử dụng (trong tình huống kiến nghị này là thay đổi mục đích sử dụng từ phục vụ việc sản xuất hàng xuất khẩu sang bán, tái xuất thanh lý). Khi khai báo tờ khai A42, DN nộp thuế nhập khẩu và thuế GTGT cho cơ quan Hải quan.
Sau khi hoàn thành thủ tục thông quan cho tờ khai A42, DN tái xuất/xuất khẩu lượng nguyên vật liệu liên quan ra nước ngoài theo tờ khai B13 (xuất khẩu hàng đã nhập khẩu) và lượng nguyên vật liệu này không trải qua quá trình sử dụng, gia công, chế biến tại Việt Nam trước khi tái xuất. DN khai báo đầy đủ nội dung tái xuất từ tờ khai A42 nào.
Theo Điều 34 Nghị định 134/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP), hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế nhập khẩu nhưng phải tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện vẫn có trường hợp DN chưa được hoàn thuế nhập khẩu cho các tờ khai A42 sau khi hoàn thành việc tái xuất nguyên vật liệu ra nước ngoài.
Giải đáp:
Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan đã có Công văn 1184/TCHQ-TXNK, Công văn 1185/TCHQ-TXNK ngày 06/4/2022 hướng dẫn, theo đó đối với hàng hóa là nguyên liệu, vật tư có nguồn gốc nhập khẩu Công ty đã thực hiện đăng ký tờ khai thay đổi mục đích sử dụng theo mã loại hình A42 và nộp đủ thuế, sau đó Công ty đăng ký tờ khai xuất khẩu theo mã loại hình B13 và thực xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, xuất khẩu vào khu phi thuế quan, trường hợp hàng hóa xuất khẩu theo tờ khai mã loại hình B13 được xác định là hàng hóa đã nhập khẩu trước đây, chưa qua sử dụng, gia công, chế biến và là hàng hóa đã khai trên tờ khai thay đổi mục đích sử dụng A42, đáp ứng điều kiện hoàn thuế quy định tại điểm c khoản 1, khoản 2 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, Điều 34 Nghị định 134/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP thì được hoàn thuế nhập khẩu theo quy định.
3. Vướng mắc hoàn thuế nhập khẩu cho hàng hóa nhập khẩu tại chỗ sau đó tái xuất nguyên trạng
Theo khoản 1a, Điều 34, Nghị định 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP:
“1. Hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế nhập khẩu nhưng phải tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu, gồm:
a) Hàng hóa nhập khẩu nhưng phải tái xuất ra nước ngoài bao gồm xuất khẩu trả lại chủ hàng, xuất khẩu hàng hóa đã nhập khẩu ra nước ngoài hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan để sử dụng trong khu phi thuế quan.”
Hiện nay có trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ hàng hóa theo chỉ định của thương nhân nước ngoài, sau đó tái xuất nguyên trạng chính hàng hóa nhập khẩu tại chỗ đó ra nước ngoài, vào khu phi thuế quan theo mã loại hình B13 nhưng chưa được xem xét hoàn lại tiền thuế nhập khẩu.
Hàng hóa nhập khẩu tại chỗ cũng là hàng hóa nhập khẩu đã được nộp thuế nhập khẩu, sau đó được chính người nhập khẩu ban đầu tái xuất ra nước ngoài, vào khu phi thuế quan. Hàng hóa đáp ứng điều kiện chưa qua sử dụng, gia công, chế biến. Do vậy, chúng tôi cho rằng doanh nghiệp đủ điều kiện để xin hoàn lại tiền thuế nhập khẩu đã nộp cho trường hợp này.
Giải đáp:
Điểm a khoản 1 Điều 34 Nghị định 134/2016/NĐ-CP thì hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế nhập khẩu nhưng phải tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu bao gồm: Hàng hóa nhập khẩu nhưng phải tái xuất ra nước ngoài bao gồm xuất khẩu trả lại chủ hàng, xuất khẩu hàng hóa đã nhập khẩu ra nước ngoài hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan để sử dụng trong khu phi thuế quan. Việc tái xuất hàng hóa phải được thực hiện bởi người nhập khẩu ban đầu hoặc người được người nhập khẩu ban đầu ủy quyền, ủy thác xuất khẩu.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp hàng hóa nhập khẩu tại chỗ nhưng phải tái xuất chưa đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 34 Nghị định 134/2016/NĐ-CP thì chưa đủ điều kiện hoàn thuế nhập khẩu. Tổng cục Hải quan ghi nhận ý kiến của đơn vị đề xuất, để xem xét khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 134/2016/NĐ-CP.
4. Vướng mắc liên quan đến việc tra cứu ngày hàng hóa xuất khẩu được xác nhận qua khu vực giám sát hải quan trên hệ thống
Theo quy định tại khoản 7, Điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính thì ngày xác định doanh thu xuất khẩu để tính thuế là ngày xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan.
Tuy nhiên, khoản 1, Điều 53 Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi tại Thông tư 39/2018/TT-BTC) về cơ sở để xác định hàng hóa xuất khẩu quy định: “Đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường biển, đường hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa, ………. là tờ khai hải quan xuất khẩu đã được xác nhận thông quan và được xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát trên Hệ thống khi hàng hóa được xếp lên phương tiện vận tải xuất cảnh.
Riêng đối với hàng hóa xuất khẩu đưa vào kho ngoại quan là tờ khai hải quan xuất khẩu đã được xác nhận thông quan và được xác nhận hàng đã đưa vào kho ngoại quan trên Hệ thống.”
Hiện nay, DN không thể tra cứu thông tin ngày hàng hóa xuất khẩu thuộc tờ khai xuất khẩu đã thông quan được xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát hoặc hàng đã đưa vào kho ngoại quan trên Hệ thống cho cùng lúc nhiều tờ khai xuất khẩu mà DN phải tra cứu thông tin cho từng tờ khai xuất khẩu trên trang web của TCHQ. Việc này rất bất tiện và làm mất nhiều thời gian của DN, ảnh hưởng đến hoạt động kê khai thuế TNDN của DN.
Giải đáp:
- Quy định cơ sở xác định hàng hóa xuất khẩu được quy định cụ thể tại Điều 53 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 33 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018).
- Trước mắt, thiết kế hệ thống hiện chỉ cho phép doanh nghiệp tra cứu trạng thái của từng tờ khai hải quan đã hoặc chưa được xác nhận qua khu vực giám sát mà chưa cho phép tra cứu cùng lúc nhiều tờ khai. Theo đó, doanh nghiệp đăng nhập hệ thống dịch vụ công trực tuyến trên trang chủ www.customs.gov.vn tại mục “Các dịch vụ công khác” có chức năng cho phép doanh nghiệp tra cứu thông tin tờ khai hải quan để biết được trạng thái tờ khai đã hay chưa được xác nhận qua khu vực giám sát trên hệ thống (để có thể tra cứu được thông tin doanh nghiệp bắt buộc phải nhập đầy đủ, chính xác: Số chứng minh thư/căn cước của doanh nghiệp).
- Về lâu dài, Tổng cục Hải quan ghi nhận để nghiên cứu thiết kế hệ thống mới có chức năng cho phép tự động phản hồi cho doanh nghiệp khi tờ khai được xác nhận qua khu vực giám sát.
5. Vướng mắc trong áp dụng chính sách hải quan và thực hiện Nghị định 18/2021/NĐ-CP
Đối với các doanh nghiệp được áp dụng quy định của doanh nghiệp chế xuất (“DNCX”) được quy định trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước thời điểm Nghị định 18 có hiệu lực:
Trong giai đoạn từ khi thành lập đến trước khi đi vào hoạt động và trước khi Nghị định 18 có hiệu lực, doanh nghiệp đã mua máy móc từ các nhà cung cấp nội địa để phục vụ cho việc xây dựng nhà xưởng.
Tuy nhiên, cơ quan hải quan địa phương chưa cho phép nhà cung cấp nội địa và và DNCX làm thủ tục hải quan đối với hạng mục máy móc thiết bị mua nội địa này vì lý do trong giai đoạn xây dựng cơ bản, DNCX chưa đáp ứng được các điều kiện về kiểm tra, giám sát hải quan. Do vậy, DNCX đã tiến hành nhận hàng hóa từ nhà cung cấp nội địa, lấy hóa đơn GTGT thuế suất 0% và thanh toán theo quy định tại Hợp đồng giữa hai bên mà chưa có Tờ khai hải quan theo yêu cầu tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC về thuế GTGT.
Theo Khoản 10, Điều 1 Nghị định 18, DNCX được phép áp dụng chính sách thuế đối với khu phi thuế quan kể từ thời điểm là doanh nghiệp chế xuất nêu tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (“GCNĐKĐT”).
Tuy nhiên, giao dịch mua bán hàng giữa DNCX và nhà cung cấp nội địa do thực hiện trước khi Nghị định 18 được ban hành nên DNCX cơ quan hải quan đã không cho phép làm tờ khai hải quan cho máy móc thiết bị cung cấp cho DNCX. Tinh thần của Nghị định 18 là cho các DNCX được áp dụng quy chế của DNCX kể từ khi được cấp GCNĐKĐT, mặc dù vậy, đối với trường hợp thực tiễn trên đây thì tại rất vướng mắc do việc cung cấp hàng hóa đã diễn ra trước khi Nghị định 18 được ban hành và có hiệu lực.
Giải đáp:
Căn cứ điểm b, khoản 1 Điều 35 Nghị định 08/2015/TT-BTC ngày 21/01/2015 của Chính phủ thì hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan thuộc hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ. Theo quy định tại tiết b.4 điểm b khoản 5 Điều 86 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 sửa đổi bổ sung tại khoản 58 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính thì chỉ được đưa hàng hóa xuất, nhập khẩu tại chỗ vào sản xuất, tiêu thụ sau khi hàng hóa nhập khẩu đã được thông quan.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 sửa đổi bổ sung tại khoản 8 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính về phân luồng tờ khai thì tờ khai hải quan sẽ được phân luồng theo 03 hình thức: Chấp nhận, kiểm tra chứng từ hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa.
Đối chiếu các quy định nêu trên thì hàng hóa đã được đưa vào tiêu thụ, không có cơ sở để kiểm tra thực tế trong trường hợp phải kiểm tra thực tế hàng hóa, do vậy, không đủ điều kiện để đăng ký tờ khai cho các hàng hóa này.
Về kiến nghị cho phép doanh nghiệp được đăng ký khai hải quan bổ sung đối với các trường hợp đã mua hàng hóa nhưng chưa mở được tờ khai trước đây: Tổng cục Hải quan đã có Công văn 3814/TCHQ-TXNK ngày 30/7/2021 hướng dẫn theo đó:
Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không có quy định về việc doanh nghiệp được làm bổ sung thủ tục hải quan nếu tại thời điểm nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa mà doanh nghiệp chưa thực hiện thủ tục hải quan hoặc doanh nghiệp được xác định là không phải thực hiện thủ tục hải quan.
Do đó, đề nghị của công ty được đăng ký tờ khai hải quan bổ sung đối với các trường hợp đã mua hàng hóa trong nội địa để bán cho doanh nghiệp chế xuất tại thời điểm chưa được hưởng chính sách thuế của khu phi thuế quan là không có căn cứ pháp lý để thực hiện…
Xem thêm tại Công văn 4044/TCHQ-CCHĐH ngày 28/9/2022.
Như Mai