Người dân chấm điểm công chức (Hình từ internet)
Chấm điểm công chức hay nói cách khác là đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Pháp luật hiện hành cũng đã có nhiều quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân.
Tuy nhiên, nếu không chấm điểm công chức thường xuyên và chính xác thì sẽ rất khó nhận biết được mức độ hài lòng của người dân đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức,...
Do vậy, đầu năm 2022, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định 115/QĐ-BNV về Kế hoạch triển khai Đề án “Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin đánh giá cải cách hành chính và đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030” năm 2022.
Theo đó, mục tiêu chung của Đề án nhằm huy động người dân tham gia vào quá trình xây dựng, thực thi, đánh giá chính sách, quy định, hoạt động cải cách hành chính nhà nước và đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước kịp thời, chính xác, khách quan, góp phần đẩy mạnh hiệu quả công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2022 - 2030, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, xã hội của các cơ quan hành chính nhà nước và thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Như vậy, thông qua việc đo lường sự hài lòng, người dân có thể chấm điểm công chức về thái độ, tác phong, cách thức, hiệu quả giải quyết công việc, thủ tục hành chính,...
Mới đây, Bộ Nội vụ đã có Công văn 6076/BNV-CCHC triển khai đo lường sự hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022.
Cụ thể, Bộ Nội vụ tổ chức triển khai đo lường sự hài lòng của người dân năm 2022 tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Để chuẩn bị cho việc triển khai đo lường sự hài lòng, Bộ Nội vụ đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ, phối hợp thực hiện một số hoạt động như sau:
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan ở địa phương cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời để phục vụ công tác chọn mẫu khảo sát đo lường sự hài lòng tại địa phương.
- Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, công chức liên quan ở địa phương: (i) Thực hiện các nhiệm vụ nghiêm túc, đúng quy định và hướng dẫn tại văn bản này nhằm đảm bảo kết quả khảo sát ở địa phương trung thực, khách quan; (ii) tuyệt đối không định hướng, can thiệp, xem xét công việc phát phiếu khảo sát của điều tra viên; (iii) tuyệt đối không định hướng, can thiệp, xem xét việc trả lời phiếu khảo sát của người dân.
- Thông tin để cán bộ, công chức, viên chức, người dân ở địa phương nhận thức đầy đủ, chính xác về mục đích, nội dung và yêu cầu của việc triển khai đo lường sự hài lòng, đặc biệt là để người dân tham gia trả lời phiếu khảo sát đầy đủ, trung thực, khách quan.
- Giao Sở Nội vụ làm đầu mối trong quá trình triển khai các hoạt động; bố trí nguồn lực, tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị liên quan của địa phương để triển khai các hoạt động.