Ảnh minh họa |
Việc Chính phủ tiếp tục xem xét chủ trương tạm trữ được xác định rõ nhằm mục tiêu hỗ trợ cho nông nghiệp, định hướng giá sản phẩm của người nông dân, không phải là chủ trương bao tiêu dẫn tới một số ý kiến chưa hợp lý, trái chiều về kết quả của việc tạm trữ lúa gạo thời gian qua.
Với cơ chế thu mua dự kiến như vụ Đông Xuân vừa qua, Phó Thủ tướng giao Hiệp hội Lương thực Việt Nam chủ trì và phối hợp với UBND các tỉnh ĐBSCL phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ lúa, gạo vụ Hè Thu có tính đến sản lượng lúa hàng hóa của từng địa phương. Các Bộ, ngành liên quan tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện tạm trữ, đảm bảo theo quy định và đạt hiệu quả.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến 8/5, vùng ĐBSCL đã gieo sạ 1,135 triệu ha vụ Hè Thu, dự kiến toàn vùng đạt sản lượng trên 9 triệu tấn lúa vụ này. Tại các tỉnh ĐBSCL, giá mua lúa, gạo hiện đang có xu hướng giảm, khoảng 100-150 đ/kg so với tuần trước. Giá lúa khô tại ruộng hiện dao động ở mức từ 4.850-4.950 đ/kg (lúa thường) và 5.100 – 5.200 đ/kg (lúa hạt dài).
Trước đó, Bộ Tài chính đã sớm công bố giá thành bình quân sản xuất lúa vụ Hè Thu ở khu vực là 4.142 đ/kg, quy ra giá lúa định hướng là 5.383 đ/kg. Vì vậy, giá lúa thị trường nêu trên hiện thấp hơn giá định hướng và đây là cơ sở để Chính phủ xem xét, chính thức ban hành sớm quyết định tạm trữ trong thời gian tới.
Trong khi đó, theo báo cáo chung, tình hình xuất khẩu gạo đang gặp nhiều khó khăn và dự báo còn hết sức phức tạp, khó lường. So với cùng kỳ, giá gạo xuất khẩu Quý I đã giảm trên 40 USD/tấn và tiếp tục giảm. Các thương nhân tham gia tạm trữ gặp khó khăn do tiêu thụ chậm và có nguy cơ bị lỗ.
Vì vậy, trong cuộc họp, các ý kiến thống nhất việc giữ được giá lúa ít biến động, trong khi giá xuất khẩu giảm và đảm bảo cho nông dân sản xuất có hiệu quả chính là một thành công từ chính sách tạm trữ. Khẳng định chủ trương tạm trữ vụ Đông Xuân đã được công bố phù hợp với tình hình chung, tạo điều kiện cho người nông dân, thương nhân kinh doanh chủ động định hướng trong thu hoạch, tiêu thụ lúa hàng hóa, góp phần kiềm chế tình trạng sụt giảm giá.
Trong thời gian mua tạm trữ, giá lúa, gạo trên thị trường đã tăng lên so với trước thời điểm mua tạm trữ, thậm chí cao hơn so với giá định hướng là mức giá có lợi cho người trồng lúa, đảm bảo nông dân có lãi và giữ ổn định trong thời gian dài, tạo điều kiện giữ được mặt bằng giá xuất khẩu, hạn chế ép giá và cạnh tranh phá giá trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo đang bị cạnh tranh gay gắt.
Nguyên Linh