Nhóm vấn đề đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế
Thứ nhất, giảm tần suất kê khai thuế GTGT từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm đối với người nộp thuế quy mô vừa và nhỏ. Chính phủ quy định tiêu chí xác định người nộp thuế để kê khai theo quý.
Thứ 2, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế từ 5 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc.
Thứ 3, một số nội dung hoàn thuế có một số sửa đổi, bổ sung như: Rút ngắn thời hạn giải quyết đối với trường hợp “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” từ 60 ngày xuống còn 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và trường hợp “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” từ 15 ngày làm việc xuống còn 6 ngày làm việc.
Bổ sung quy định cơ quan Thuế phải kiểm tra trong thời hạn 1 năm kể từ khi có quyết định hoàn thuế đối với 4 đối tượng có độ rủi ro cao gồm: Cơ sở kinh doanh kê khai lỗ hai năm liên tục hoặc có số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu; Cơ sở kinh doanh được hoàn thuế từ hoạt động kinh doanh bất động sản; kinh doanh thương mại, dịch vụ; Cơ sở kinh doanh thay đổi trụ sở từ 2 lần trở lên trong vòng 12 tháng kể từ ngày có quyết định hoàn thuế trở về trước; Cơ sở kinh doanh có sự thay đổi bất thường giữa doanh thu tính thuế và số thuế được hoàn trong giai đoạn 12 tháng, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế trở về trước.
Thứ 4, thay Tờ khai quyết toán thuế trong hồ sơ đề nghị xóa nợ đối với trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản bằng Quyết định tuyên bố phá sản để đảm bảo tính thống nhất, đơn giản trong thực hiện.
Nhóm vấn đề phục vụ mục tiêu cải cách - hiện đại hoá và hội nhập
Bổ sung nguyên tắc quản lý rủi ro trong công tác quản lý thuế, làm cơ sở áp dụng thống nhất các kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý thuế tiên tiến.
Bổ sung cơ chế thoả thuận trước về phương pháp xác định giá (APA) trong chống chuyển giá ở các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Việc bổ sung cơ chế APA vừa tạo thuận lợi cho công tác hành thu, chống thất thu, vừa tạo chủ động cho doanh nghiệp FDI trong lập kế hoạch kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế.
Bổ sung nghĩa vụ của người nộp thuế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao quản trị doanh nghiệp cũng như phát triển phương thức quản lý thuế điện tử như: Trường hợp người nộp thuế là tổ chức kinh doanh tại địa bàn có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin phải thực hiện kê khai, nộp thuế, giao dịch với cơ quan quản lý thuế thông qua phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: T.Hằng
Nhóm vấn đề nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế
Thứ nhất, thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền phạt: Thay đổi thứ tự nhằm tăng cường hiệu quả thu nợ thuế, thuận lợi trong triển khai thực hiện kế toán thuế nội địa. Theo đó, thứ tự thanh toán được quy định như sau: Đối với các loại thuế do cơ quan Thuế quản lý: Tiền thuế nợ; Tiền thuế truy thu; Tiền chậm nộp; Tiền thuế phát sinh; Tiền phạt.
Thứ 2, về gia hạn nộp thuế: Bổ sung việc gia hạn nộp thuế đối với trường hợp doanh nghiệp phải di dời cơ sở sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và doanh nghiệp có nợ thuế do chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được ghi trong dự toán NSNN.
Thứ 3, bổ sung quy định nộp dần tiền thuế đối với trường hợp người nộp thuế không có khả năng nộp đủ tiền thuế một lần: Cho phép người nộp thuế được nộp dần tiền nợ thuế trong một khoảng thời gian nhất định (có tính tiền chậm nộp 0,05%/ngày tương đương 1,5%/tháng, 18%/năm). Việc nộp dần tiền thuế được thực hiện trên cơ sở có cam kết của người nộp thuế và bảo lãnh của tổ chức tín dụng để giảm các trường hợp phải cưỡng chế thuế và hỗ trợ cho người nộp thuế, đặc biệt là trong các trường hợp người nộp thuế có số tiền nợ thuế lớn (do bị phạt từ 1 lần đến 3 lần thuế) và có khó khăn về tài chính trong ngắn hạn.
Thứ 4, Về xoá nợ tiền thuế, tiền phạt: Luật hiện hành quy định xoá nợ tiền thuế, tiền phạt khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản; cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự có nợ tiền thuế. Luật sửa đổi, bổ sung quy định xoá nợ đối với các khoản nợ khó có khả năng thu hồi sau khi đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế và các khoản nợ này đã kéo dài trong thời hạn 10 năm. Về thẩm quyền xoá nợ tiền thuế, tiền phạt, Luật giao cụ thể từng cấp (UBND tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ) xoá nợ tuỳ theo đối tượng nợ thuế và số tiền thuế, tiền phạt còn nợ.
Thứ 5, Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế: Luật hiện hành quy định 7 biện pháp cưỡng chế thuế và phải thực hiện tuần tự từng biện pháp. Luật sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng: Bổ sung biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu; Trường hợp người nộp thuế có hành vi bỏ trốn, tẩu tán tài sản thì cơ quan quản lý thuế được lựa chọn áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp để đảm bảo thu hồi nợ thuế kịp thời...
Thứ 6, Các chế tài xử phạt vi phạm pháp luật về thuế: Luật sửa đổi, bổ sung để làm rõ tính chất khoản tiền phạt chậm nộp là khoản lãi chậm nộp tiền thuế; nâng mức xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế theo mức luỹ tiến: 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp không quá 90 ngày, 0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp vượt quá thời hạn 90 ngày.
Nâng mức xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn từ 10% lên 20%.
Thứ 7, Thời hiệu xử lý vi phạm pháp luật về thuế: Trước ngày 1-7-2007, các quy định về quản lý thuế trong đó có xử lý vi phạm pháp luật về thuế đều được quy định tại các luật chính sách, trong đó Luật thuế GTGT, Luật thuế Thu nhập DN năm 2003 quy định thời hiệu truy thu thuế là 5 năm trở về trước. Nhưng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế đã bổ sung quy định áp dụng thời hạn truy thu thuế là 10 năm, kể từ ngày kiểm tra phát hiện để phù hợp quy định lưu trữ chứng từ trong Luật Kế toán.
Thứ 8, về kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế: Luật hiện hành quy định kiểm tra thuế chủ yếu theo hồ sơ khai thuế và giải trình của người nộp thuế nhưng Luật đã sửa đổi, bổ sung việc kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế theo tiêu thức đánh giá rủi ro; theo chuyên đề, kế hoạch hàng năm do Thủ trưởng cơ quan thuế cấp trên phê duyệt và kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế không quá 1 lần trong năm.
Thứ 9, sửa đổi các nội dung về quản lý thuế để đồng bộ với các Luật khác: Luật sửa đổi, bổ sung các nội dung về thời hạn khai, nộp thuế và công tác thanh tra thuế để đồng bộ pháp luật về đất đai, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và Luật Thanh tra.
PV