Nghị định 65/2013/NĐ-CP: tạo thuận lợi cho người nộp thuế

01/07/2013 10:37 AM

Ngày 27/6/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định 65/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi 2012)

Đây là Nghị định được xây dựng trên cơ sở Luật số 26/2012/QH13 sửa đổi  Luật Thuế TNCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2013 được Quốc hội thông qua ngày 22/11/2012, tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XIII. 

Với 04 Chương và 34 Điều - Nghị định 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã đảm bảo mục tiêu, yêu cầu, đồng thời đã khắc phục được những bất cập của quy định về thuế TNCN hiện hành.


Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

Theo đó, Nghị định 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN và Luật Thuế TNCN hiện hành để thay thế Nghị định số 100/2008/NĐ-CP và những nội dung quy định về thuế TNCN trong Nghị định số 106/2010/NĐ-CP là cần thiết để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cho công tác quản lý thu và cũng là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nội dung Nghị định 65/2013/NĐ-CPcủa Chính phủ đã đảm bảo mục tiêu, yêu cầu, cụ thể như sau:

Thứ nhất, bám sát các nội dung quy định của Luật, Nghị định hướng dẫn cụ thể và quy định chi tiết các điều Luật đã giao Chính phủ trách nhiệm hướng dẫn, bảo đảm nguyên tắc đơn giản, minh bạch và phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế, khuyến khích mọi cá nhân tích cực lao động, sản xuất kinh doanh và chấp hành đúng nghĩa vụ nộp thuế TNCN.

Thứ hai, tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung bất cập so với thực tế theo đúng thẩm quyền của Chính phủ, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật, trên cơ sở đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế cũng như tạo thuận lợi cho việc hiện đại hoá công tác quản lý thu.

Một số quy định của nội dung Nghị định 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân liên quan và được đăng tải lấy ý kiến rộng rãi trên Trang Thông tin điện tử Chính phủ, Trang Thông tin điện tử Bộ Tài chính.

Trong đó phạm vi điều chỉnh và đối tượng nộp thuế đã được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và quy định thể hiện rõ phạm vi điều chỉnh và đối tượng nộp thuế, được căn cứ trên cơ sở những quan điểm, cụ thể như sau:

Một là, về phạm vi điều chỉnh: Lụật thuế TNCN sửa đổi 2012 và Luật Quản lý thuế sửa đổi 2012 cùng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2013.

Để tạo thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan thuế trong quá trình thực thi và đảm bảo tính nhất quán trong việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật và đúng về thể thức văn bản theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL, Nghị định chỉ quy định các nội dung về chính sách, bao gồm cả chính sách cần triển khai trong quản lý thuế để thay thế các Nghị định hiện hành của Chính phủ về thuế TNCN. 

Các nội dung quy định chi tiết về thủ tục kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế sẽ được chuyển sang quy định tại Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý thuế cùng với các quy định khác về quản lý thuế như đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về thuế TNCN.

Để thể hiện rõ phạm vi điều chỉnh, tại Điều 1 Nghị định quy định: "Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân".

Hai là, về đối tượng nộp thuế:  Điều 2 Luật Thuế TNCN quy định đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú, cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật này. Trong đó, cá nhân cư trú nộp thuế đối với thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, cá nhân không cư trú chỉ phải nộp thuế đối với các khoản thu nhập phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.

Trong đó, Luật quy định cá nhân cư trú là cá nhân đáp ứng 1 trong 2 điều kiện: (1) có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam; và (2) có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.

Về xác định điều kiện nơi ở thường xuyên tại Việt Nam của các cá nhân cư trú, khi ban hành Nghị định quy định chi tiết Luật, trước đây đã tham chiếu quy định tại Điều 131 Luật Nhà ở năm 2005“Tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép vào Việt Nam có thời hạn từ ba tháng liên tục trở lên và người Việt Nam định cư ở nước ngoài được thuê nhà ở tại Việt Nam” và hướng dẫn tại Nghị định số 100/2008/NĐ-CP như sau: cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn từ 90 ngày trở lên trong năm tính thuế.

Qua thực tế thực hiện cho thấy nội dung quy định nêu trên tuy dựa trên quy định của pháp luật về nhà ở, về cư trú nhưng lại phát sinh bất cập trong nghĩa vụ thuế TNCN đối với các trường hợp: người Việt Nam có nơi ở đăng ký thường trú tại Việt Nam mà đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài từ 183 ngày trở lên và người nước ngoài là đối tượng cư trú tại nước ngoài đến Việt Nam làm việc mà có hợp đồng thuê nhà tại Việt Nam từ 90 ngày trở lên nhưng chưa đến 183 ngày đều có thể là đối tượng cư trú của hai nước và là đối tượng nộp thuế TNCN tại Việt Nam trên thu nhập toàn cầu.

Tuy chưa phát sinh đến việc đánh thuế trùng (do chủ yếu là công dân của những nước đã ký Hiệp định tránh đánh thuế trùng với Việt Nam) nhưng qua thực hiện cho thấy quy định này đã làm tăng thêm thủ tục hành chính, gây phiền phức cho người nộp thuế (người nộp thuế phải kê khai để được miễn thuế theo hiệp định) và phức tạp trong quản lý thu thuế, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Để thực thi đúng cam kết quốc tế, phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế, giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết đối với các cá nhân có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày, Nghị định đã sửa đổi bổ sung điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị định số 100/2008/NĐ-CP theo hướng sửa đổi tiêu chí về thời gian thuê nhà của cá nhân từ 90 ngày hiện hành lên thành 183 ngày, đồng thời quy định rõ trường hợp cá nhân có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế mà không chứng minh được là đối tượng cư trú của nước khác thì cá nhân đó sẽ phải là đối tượng cư trú tại Việt Nam cho mục đích tính thuế. Việc sửa đổi, bổ sung này vẫn đảm bảo đúng với quy định của Luật Nhà ở và khắc phục được những bất cập của quy định về thuế TNCN hiện hành.

Như vậy, với 04 Chương, Nghị định 65 đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cho công tác quản lý thu.

Theo MOF

Chia sẻ bài viết lên facebook 29,761

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079