Thứ trưởng Lao động: 'Làm chính sách lương như đi trên dây'

04/07/2013 11:11 AM

Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, làm chính sách lương cần tính toán rất nhiều, bởi phải cân đối lợi ích giữa người lao động, doanh nghiệp và nền kinh tế.

- Chính phủ có ý kiến gì về đề xuất mới đây của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với việc giãn lộ trình tăng lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp từ năm 2015 sang năm 2017?


Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, để đáp ứng lộ trình tăng lương của chính phủ đến năm 2015, thì mỗi năm doanh nghiệp tối thiểu vào tăng khoảng 40% lương, mà hiện doanh nghiệp không thể gách mức tăng này. Ảnh: PV

- Hiện tại, Chính phủ chưa có ý kiến chính thức về việc này. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế tiếp tục khó khăn như hiện nay, đề xuất giãn lộ trình tăng lương là hợp lý và phải làm để hỗ trợ doanh nghiệp.        
        
Trong lộ trình tăng lương đã được Chính phủ thông qua, đến năm 2015, lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Nếu áp dụng đúng như vậy, thì mỗi năm, lương tối thiểu phải tăng khoảng 40%. Hiện doanh nghiệp không thể gánh nổi mức tăng đó.

Do vậy, mức tăng cụ thể hàng năm vẫn phải tính toán căn cứ vào số liệu thống kê kinh tế - xã hội để cân đối cho phù hợp. Sắp tới, khi được thành lập, Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng phải bàn cả về lộ trình thực hiện tăng lương, chứ không phải chỉ bàn mức tăng lương từng năm.

Lý do, các doanh nghiệp yêu cầu Chính phủ phải đưa ra ít nhất một định hướng, lộ trình cho giai đoạn tới là tăng như thế nào, tăng khoảng bao nhiêu phần trăm để họ có sự chuẩn bị, cân đối trong sản xuất, kinh doanh.

Dự kiến, khi đi vào hoạt động, tháng 10 hàng năm, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ công bố mức lương tối thiểu của năm tiếp theo.

- Mức tăng lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp năm 2014 có thể tăng bao nhiêu phần trăm so với hiện nay?

- Theo Nghị định được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 5, từ ngày 1/7, mức tăng lương hàng năm do Hội đồng Tiền lương quốc gia quyết định và trình Chính phủ thông qua.

 Dù danh sách nhân sự cụ thể của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã trình Chính phủ, nhưng chưa được thông qua, nên chưa thể có câu trả lời cụ thể về việc này. Nếu danh sách được Thủ tướng Chính phủ thông qua trong tháng 7, đồng thời ban hành quy chế hoạt động, thì tháng 10 tới, cơ quan này mới có thể chính thức ra mắt và đến năm 2014 mới đi vào hoạt động ổn định.

- Cơ chế hoạt động của Hội đồng Tiền lương quốc gia, cũng như việc tính toán mức tăng lương hàng năm theo lộ trình có gì mới?

 Hội đồng Tiền lương quốc gia gồm 15 thành viên, là đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) và Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso).

Để quyết định mức tăng lương cụ thể, Hội đồng Tiền lương quốc gia phải có nhiều buổi họp ba bên với công đoàn và 5 đại diện của giới chủ. Các bên đưa ra mức lương mong muốn của mình, rồi bàn bạc với nhau để thống nhất phương án hợp lý nhất, giảm khoảng cách trong các phương án đưa ra, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên, cũng như phù hợp với tình hình kinh tế để khuyến nghị Chính phủ quyết định.

- Với cơ chế hoạt động như vậy, ông đánh giá như thế nào về vai trò của Hội đồng Tiền lương quốc gia?

- Tiền lương luôn là vấn đề nhạy cảm, do ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cả lao động lẫn giới chủ, lại vừa chịu chi phối của kinh tế vĩ mô. Người lao động luôn muốn nhận được lương cao, nhưng giới chủ luôn đưa ra các khó khăn để hạn chế tăng lương. Chính phủ là người đứng giữa, phải quyết định sao cho cân đối lợi ích của cả hai bên, cũng như phù hợp với nền kinh tế vĩ mô. Do vậy, làm chính sách tiền lương giống như đi thăng bằng trên dây, quá lệch về một bên thì chắc chắn sẽ ngã.

Tôi lấy ví dụ, Hàn Quốc đang áp dụng mô hình Hội đồng Tiền lương. Dù trước khi Hội đồng Tiền lương họp ba bên để quyết định cơ chế tiền lương mới, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương phải tổ chức nhiều buổi lấy ý kiến giới chủ, nhưng khi họp ba bên, Hội đồng vẫn phải tiến hành tới 12 phiên mới có thể đưa ra quyết định cuối cùng.

Hay tại Việt Nam, với mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm 2013, dù Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề ra hai phương án tăng cao và tăng thấp, nhưng các đại diện giới chủ đã gửi thư trực tiếp lên Thủ tướng để “kêu”. Kết quả là, mức tăng cuối cùng mà Chính phủ thông qua thấp hơn cả phương án thấp nhất mà chúng tôi kiến nghị.

Theo Đầu tư

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,235

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079