Đề án chính quyền đô thị “đụng” hơn 100 văn bản luật

23/08/2013 08:26 AM

(TNO) Ngày 22.8, Thường trực HĐND TP.HCM khóa 8 lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia, những người nguyên là ủy viên Thường trực HĐND thành phố các khóa trước về đề án chính quyền đô thị nhằm chuẩn bị cho kỳ họp chuyên đề về vấn đề này trong thời gian sắp tới.

Nhiều ý kiến đánh giá cao tâm huyết của TP.HCM vì từ năm 2006 thành phố đã bàn về mô hình thí điểm chính quyền đô thị. Ngay sau khi được Trung ương ủng hộ, thành phố đã “ra mắt” được đề án với sự chuẩn bị khá công phu.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là làm sao để đề án được áp dụng trên thực tế, trong khi đang vướng rất nhiều văn bản luật hiện hành.

Theo GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, đề án đụng chạm đến rất nhiều văn bản pháp lý, mà trong đề án cũng đã nêu ra xung đột 102 văn bản luật hiện hành.

Kể cả Hiến pháp hiện hành và dự thảo Hiến pháp đang sửa đổi thì đề án của TP.HCM vẫn đụng.

“Chúng ta phải có một tờ trình để lý giải tại sao đề án của chúng ta lại vênh như vậy với các văn bản pháp luật này, tức là phải đánh giá cái được, cái chưa được của các văn bản cũ”, GS-TS Mai Hồng Quỳ đề nghị. Ông nói thêm: “Chúng tôi hoàn toàn thống nhất đề án chúng ta đưa ra vênh với các văn bản cũ là bởi vì thực sự các quy định trong các văn bản cũ đã lạc hậu rồi. Ta phải thừa nhận điều này. Cái này không phải nói để ta bào chữa cho ta nhưng phải thấy rằng, trong số 102 văn bản xung đột, có nhiều văn bản bị lỗi thời. Vấn đề là ta phải chứng minh được điều đó. Phải lý giải được nó vênh vì các văn bản này cũ, lạc hậu hay do đề án chúng ta quá mới”.

“Nếu không làm được điều đó sẽ tạo nên sự nghi vấn của các nhà phản biện và người ta sẽ thấy không yên tâm về đề án của chúng ta”, GS-TS Mai Hồng Quỳ lưu ý.

 
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM Khương Văn Mười góp ý đề án chính quyền đô thị

Trong đề án có nói đến vấn đề thành phố có cử đoàn đi tham khảo kinh nghiệm ở Thượng Hải, Lyon, Busan… Thế nhưng, những kinh nghiệm đó như thế nào thì trong đề án không nói cụ thể.

“Nếu nói rõ điều này, nhiều người sẽ cho rằng, chúng ta chỉ có đi chơi thôi chứ thu thập không nhiều. Theo tôi, cần phải có phần phụ lục kinh nghiệm rút ra từ các mô hình của các thành phố này. Ví dụ như, mô hình của Busan ra làm sao, ưu điểm là gì, nhược điểm thế nào…”, GS-TS Mai Hồng Quỳ đề nghị.

Một vấn đề rất đáng chú ý khác được Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM Khương Văn Mười đặt ra, đó là định hướng phát triển.

Theo ông Mười, TP.HCM sẽ bị ngập trên diện rộng vào năm 2070 (nước biển sẽ dâng 46 cm) và bị ảnh hưởng nghiêm trọng vào năm 2100 (nước biển sẽ dâng 75 cm).

Do vậy, việc phát triển các TP mới cần phải có sự tính toán phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, “chứ dồn công sức, tiền bạc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng rồi sau đó bị nhấn chìm trong nước thì không ổn”.

Tin, ảnhĐình Phú

Theo Thanh Niên 

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,122

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079