Chính sách mới về tài chính, ngân hàng có hiệu lực từ tháng 9/2023 (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Các chính sách mới về tài chính, ngân hàng sẽ có hiệu lực từ tháng 9/2023 bao gồm:
Ngày 28/6/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, trong đó đã bổ sung 04 nhu cầu vốn không được cho vay, cụ thể:
(1) Để gửi tiền.
(2) Để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom
(3) Để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay.
(4) Để bù đắp tài chính, trừ trường hợp khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
+ Khách hàng đã ứng vốn của chính khách hàng để thanh toán, chi trả chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh, mà các chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh này phát sinh dưới 12 tháng tính đến thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay;
+ Các chi phí đã thanh toán, chi trả bằng vốn của chính khách hàng nhằm thực hiện dự án hoạt động kinh doanh là các chi phí có sử dụng nguồn vốn vay của tổ chức tín dụng theo phương án sử dụng vốn đã gửi tổ chức tín dụng để được xem xét cho vay trung, dài hạn nhằm thực hiện dự án hoạt động kinh doanh đó.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, để ưu tiên hơn nữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN ngày 23/8/2023 ngưng hiệu lực thi hành các nhu cầu vốn không được cho vay tại (2), (3) và (4) nêu ở trên; thời gian áp dụng từ ngày 01/9/2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này.
Thông tư 06/2023/TT-NHNN và Thông tư 10/2023/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2023.
Ngày 20/7/2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư 15/2023/TT-BYT quy định về giá tối đa và chi phí phục vụ cho việc xác định giá một đơn vị máu toàn phần, chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn.
Theo đó, kể từ ngày 15/9/2023, mức chi cho người hiến máu lấy tiền được quy định như sau:
- Chi tiền trực tiếp cho người hiến máu toàn phần:
+ Một đơn vị máu có thể tích 250 ml: 195.000 đồng;
+ Một đơn vị máu có thể tích 350 ml: 320.000 đồng;
+ Một đơn vị máu có thể tích 450 ml: 430.000 đồng.
- Chi tiền trực tiếp cho người hiến gạn tách các thành phần máu:
+ Một đơn vị chế phẩm có thể tích từ 250 đến 400 ml: 400.000 đồng;
+ Một đơn vị chế phẩm có thể tích từ trên 400 đến 500 ml: 600.000 đồng;
+ Một đơn vị chế phẩm có thể tích từ trên 500 đến 650 ml: 700.000 đồng.
Thông tư 15/2023/TT-BYT có hiệu lực từ 15/9/2023.
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 52/2023/TT-BTC hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định 80/2021/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 23/9/2023.
Cụ thể, mức chi quản lý các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện như sau:
- Chi phí tổ chức hội nghị, hội thảo; công tác phí cho cán bộ đi công tác, khảo sát thực hiện theo quy định tại Thông tư 40/2017/TT-BTC .
- Chi phí làm thêm giờ thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động, Nghị định 145/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
- Chi phí thuê chuyên gia thực hiện theo quy định tại Thông tư 02/2015/TT-BLĐTBXH.
- Chi phí truyền thông, thông tin liên lạc thực hiện theo nguyên tắc tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 52/2023/TT-BTC.
- Chi phí cho hoạt động lựa chọn bên cung cấp thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn.
Ngày 03/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 47/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản.
Theo đó, Trang thông tin đấu giá trực tuyến phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
- Công khai, minh bạch, không hạn chế truy cập, tiếp cận thông tin.
- Thời gian trên Trang thông tin đấu giá trực tuyến là thời gian thực và là thời gian chuẩn trong đấu giá trực tuyến.
- Hoạt động ổn định, liên tục và phải đạt cấp độ 3 theo quy định pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
- Đáp ứng các yêu cầu về việc kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, tiêu chuẩn công nghệ thông tin.
- Có các chức năng nghiệp vụ tối thiểu sau đây:
+ Cho phép cá nhân, tổ chức đăng ký tài khoản tham gia đấu giá. Mỗi cá nhân, tổ chức được đăng ký duy nhất một tài khoản tham gia đấu giá, trả giá.
+ Đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin của người tham gia đấu giá, tài khoản truy cập, việc tham gia trả giá, giá đã trả bằng mã định danh riêng.
+ Hiển thị công khai, trung thực giá trả của người tham gia đấu giá; thực hiện ghi lại thông tin và truy xuất được lịch sử các giao dịch, mức giá được trả tại các cuộc đấu giá, việc rút lại giá đã trả và những thông tin cần thiết khác trong quá trình tổ chức đấu giá trên Trang thông tin đấu giá trực tuyến.
+ Hiển thị liên tục trong suốt thời gian đấu giá mức giá cao nhất đã trả đối với phương thức trả giá lên và mức giá bằng giá khởi điểm hoặc giá đã giảm thấp nhất đối với phương thức đặt giá xuống để những người tham gia đấu giá có thể xem được; người đủ điều kiện tham gia đấu giá nhưng không tham gia cuộc đấu giá;
+ Bảo đảm người tham gia đấu giá không thể nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá sau thời điểm kết thúc nộp hồ sơ; thực hiện việc trả giá sau thời điểm kết thúc cuộc đấu giá.
Nghị định 47/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2023.