Từ ngày 15/9/2023, cần mấy người làm chứng khi người vi phạm giao thông không chịu ký biên bản?

07/09/2023 13:00 PM

Xin hỏi khi người vi phạm giao thông không chịu ký biên bản thì cần mấy người làm chứng? - Yến Như (Bình Dương)

Từ ngày 15/9/2023, cần mấy người làm chứng khi người vi phạm giao thông không chịu ký biên bản? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Từ ngày 15/9/2023, cần mấy người làm chứng khi người vi phạm giao thông không chịu ký biên bản?

Căn cứ theo Điều 20 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định việc xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các quy định sau đây:

- Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản

Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản, cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ theo quy định. 

Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm (sau đây gọi chung là người vi phạm) chưa thi hành ngay quyết định xử phạt thì tạm giữ giấy tờ có liên quan theo quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và điểm d khoản 2 Điều 21 Thông tư 32/2023/TT-BCA để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

- Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản

+ Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định. Biên bản vi phạm hành chính được lập bằng mẫu in sẵn hoặc lập trên Hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính;

+ Khi lập xong biên bản vi phạm hành chính, cán bộ lập biên bản đọc lại cho những người có tên trong biên bản cùng nghe; hướng dẫn quyền, thời hạn giải trình về vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức có quyền giải trình theo quy định tại Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020); 

Đề nghị người vi phạm cung cấp số điện thoại liên hệ (nếu có) để nhận thông tin xử phạt thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an; 

Ký vào biên bản (trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ), trừ trường hợp biên bản được lập theo quy định tại khoản 7 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020). 

Trường hợp có người chứng kiến, người phiên dịch, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì những người này cùng phải ký vào biên bản; biên bản vi phạm hành chính gồm nhiều trang, thì phải ký vào từng trang biên bản;

+ Trường hợp người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm thì Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông mời đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc ít nhất 01 người chứng kiến ký vào biên bản xác nhận việc người vi phạm không ký, điểm chỉ vào biên bản; 

Trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì cán bộ Cảnh sát giao thông phải ghi rõ lý do vào biên bản. 

Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận vụ việc và phải báo cáo thủ trưởng đơn vị bằng văn bản để làm cơ sở cho người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử phạt;

+ Việc giao biên bản vi phạm hành chính cho người vi phạm thực hiện theo quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP.

Như vậy, theo quy định nêu trên, khi áp dụng xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản mà người vi phạm không chịu ký thì Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông mời đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc ít nhất 01 người chứng kiến ký vào biên bản xác nhận việc người vi phạm không ký, điểm chỉ vào biên bản.

2. Bố trí cán bộ và địa điểm giải quyết, xử lý vi phạm

- Công an các đơn vị, địa phương bố trí cán bộ và địa điểm giải quyết, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.

- Địa điểm giải quyết vi phạm bố trí ở vị trí thuận lợi, có diện tích phù hợp, trang nghiêm, có chỗ ngồi cho người đến liên hệ giải quyết; niêm yết sơ đồ chỉ dẫn nơi làm việc, lịch tiếp công dân; biển chức danh của cán bộ làm nhiệm vụ; số điện thoại; nội quy tiếp công dân; hòm thư góp ý và nội dung một số văn bản có liên quan đến công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về giao thông đường bộ.

(Điều 26 Thông tư 32/2023/TT-BCA)

Thông tư 32/2023/TT-BCA có hiệu lực ngày 15/9/2023.

Để giúp mọi người thuận tiện trong việc tra cứu các mức phạt vi phạm giao thông, 

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT đã cho ra đời iThong – App tra cứu mức phạt giao thông:

Tải về App iThong trên Android TẠI ĐÂY

Tải về App iThong trên iOS TẠI ĐÂY

Hoặc Quét mã QR dưới đây:

Nguyễn Ngọc Quế Anh

Chia sẻ bài viết lên facebook 8,823

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079