Chính phủ yêu cầu phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 phải bảo đảm gọn nhẹ, thiết thực

13/09/2023 09:37 AM

Xin cho tôi hỏi Chính phủ có yêu cầu gì về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025? - Ngọc Huyền (Thái Bình)

Chính phủ yêu cầu phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 phải bảo đảm gọn nhẹ, thiết thực (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 144/NQ-CP ngày 10/9/2023 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2023.

1. Chính phủ yêu cầu phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 phải bảo đảm gọn nhẹ, thiết thực

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương cần tập trung thực hiện như sau:

- Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; 

Chuẩn bị tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 theo quy định; 

Sớm nghiên cứu, công bố Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, giảm áp lực, giảm chi phí và tạo sự đồng thuận xã hội.

- Đôn đốc, kiểm tra và phối hợp với các địa phương trong việc khắc phục hiệu quả tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại các địa phương, bất cập giữa các cấp học, chưa đảm bảo đủ định mức giáo viên theo quy định, đặc biệt là giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương triển khai Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023 - 2024.

- Sớm hoàn thiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2023.

2. Dự kiến 10 môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 

Cụ thể, sau cuộc họp về Dự thảo Phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Kim Sơn kết luận:

- Về mục đích Kỳ thi, thời gian thi: Giữ nguyên mục đích, ý nghĩa của Kỳ thi tốt nghiệp THPT như đã nêu trong Dự thảo Phương án đã công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến xã hội. Thực hiện tốt sự phân cấp, trách nhiệm trong tổ chức thi; nghiên cứu để tổ chức Kỳ thi hằng năm vào thời điểm sớm hơn hiện nay.

- Tổ chức thi theo môn, gồm các môn học bắt buộc và các môn học lựa chọn trong Chương trình GDPT năm 2018: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, Tin học.

Nghiên cứu, giải trình rõ căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn, những điểm mới và những khó khăn vướng mắc chủ yếu trong triển khai thực hiện để xem xét, lựa chọn số môn thi của Phương án thi.

- Hình thức thi: Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

- Nội dung thi: Bám sát yêu cầu cần đạt về năng lực và kiến thức chủ yếu của lớp 12 trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Có lộ trình phù hợp để tăng nội dung đánh giá năng lực mỗi năm phù hợp với thời gian học tập theo Chương trình GDPT 2018 của học sinh.

- Phương thức xét tốt nghiệp: Kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp.

(Thông báo 1489/TB-BGDĐT năm 2023)

Xem thêm Nghị quyết 144/NQ-CP ban hành ngày 10/9/2023.

Nguyễn Ngọc Quế Anh

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,391

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079