07 Luật mới sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (10/2023) (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Nghị quyết 50/2022/QH15 và Nghị quyết 89/2023/QH15, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra tháng 10/2023 sẽ trình Quốc hội thông qua 07 dự án luật bao gồm:
(1) Luật Đất đai (sửa đổi);
(2) Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi);
(3) Luật Nhà ở (sửa đổi);
(4) Luật Tài nguyên nước (sửa đổi);
(5) Luật Viễn thông (sửa đổi);
(6) Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự;
(7) Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đồng cũng tại kỳ họp lần này, các dự án luật sau đây sẽ được trình lền Quốc hội để cho ý kiến:
- Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi);
- Luật Lưu trữ (sửa đổi).
- Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp;
- Luật Đường bộ;
- Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
- Luật Thủ đô (sửa đổi);
- Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi);
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản;
Kỳ họp Quốc hội là hình thức hoạt động chủ yếu của Quốc hội. Tại kỳ họp, Quốc hội thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Kỳ họp Quốc hội có thể được tổ chức liên tục hoặc theo hai hay nhiều đợt.
Trong đó chương trình kỳ họp Quốc hội được quy định như sau:
- Căn cứ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội.
- Việc xây dựng dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn; trong đó, ưu tiên bố trí thời gian thảo luận các dự án luật, dự thảo nghị quyết được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp trước các dự án luật, dự thảo nghị quyết được trình Quốc hội cho ý kiến; phiên thảo luận về kinh tế - xã hội được tổ chức trước phiên chất vấn; các nội dung trong các lĩnh vực có liên quan đến nhau được bố trí thảo luận gần nhau.
- Dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp đối với kỳ họp thường lệ và chậm nhất là 07 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp đối với kỳ họp bất thường.
- Chương trình kỳ họp Quốc hội do Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp trù bị theo trình tự sau đây:
+ Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội.
Tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội;
+ Quốc hội xem xét, thông qua chương trình kỳ họp Quốc hội.
- Trường hợp cần thiết, căn cứ đề nghị của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung chương trình kỳ họp Quốc hội theo trình tự sau đây:
+ Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung chương trình kỳ họp Quốc hội;
+ Quốc hội xem xét, thông qua việc sửa đổi, bổ sung chương trình kỳ họp Quốc hội.
- Trường hợp cần thiết điều chỉnh thời gian thực hiện nội dung của kỳ họp Quốc hội, việc phát thanh, truyền hình trực tiếp phiên họp toàn thể của Quốc hội trong chương trình kỳ họp đã được Quốc hội thông qua thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo Quốc hội.
(Khoản 1 Điều 1 và Điều 6 Nghị quyết 71/2022/QH15)