Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT bất đồng về đào tạo bác sĩ

17/09/2013 15:42 PM

Bộ Y tế vừa có công văn gửi Bộ GD-ĐT về một loạt vấn đề tồn tại của đào tạo ngành y dược khiến chất lượng đào tạo ngành đặc thù này nảy sinh nhiều bất cập.

Công văn này do Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường ký khẳng định chất lượng đào tạo ngành y dược không đồng đều giữa các trường, một số ngành như trung cấp dược, điều dưỡng có xu hướng dư thừa, khó tuyển dụng.

Bộ Y tế cũng chỉ ra việc mở ngành y mà giao sở GD-ĐT thẩm định về các điều kiện bảo đảm chất lượng là chưa đủ, vì qua khảo sát có nhiều đơn vị không đảm bảo năng lực chuyên môn, không bảo đảm chất lượng, nhất là khối các trường ngoài công lập.

Đầu tháng 8, hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH y dược Việt Nam đã họp và phản ánh việc nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế.

Chỉ tiêu nhiều nên điểm tuyển sinh vào các trường ngoài công lập rất thấp so với trường công lập, không phù hợp với quy hoạch của ngành và ảnh hưởng lớn đến chất lượng.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ GD-ĐT cần có quy định chặt chẽ mở ngành đào tạo với sự tham gia về chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế.

Ngoài ra, việc giao chỉ tiêu đào tạo nhân lực y tế cho các cơ sở đào tạo ngoài công lập cần căn cứ vào cả tiêu chí năng lực chuyên môn và cơ sở thực hành.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định giải pháp tốt nhất là hai bộ cùng phối hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo, kiểm tra việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, khuyến khích xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo y tế với các bệnh viện..., đồng thời xây dựng quy trình, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, đơn vị tham gia thẩm định việc mở ngành. Ngành y là ngành đặc thù nên có thể chấp nhận có những quy định riêng nhưng theo hướng phân cấp trách nhiệm tham gia kiểm soát chất lượng cho các địa phương, tôn trọng hoạt động chuyên môn của các nhà trường và cơ quan quản lý nhà nước làm nhiệm vụ kiểm tra.

(vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bùi Anh Tuấn)

Đặc biệt, Bộ Y tế cũng mong muốn Bộ GD-ĐT thu xếp buổi làm việc giữa bộ trưởng Bộ Y tế và bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong tháng 9.

Liên quan đến vấn đề này, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), vào ngày 16-9.

Ông Bùi Anh Tuấn cho hay:  “Không thể nói Bộ GD-ĐT chậm trễ trong việc tìm các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành y tế. Hai bộ đã có nhiều cuộc họp về vấn đề này. Gần đây nhất, tháng 6-2013, Bộ GD-ĐT đã chủ động mời Bộ Y tế sang làm việc, bàn về đào tạo nhân lực y tế.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã đưa ra những giải pháp rất cụ thể về chính những vấn đề mà công văn Bộ Y tế nêu. Trong thông báo ngày 26-7 về kết luận của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga tại cuộc họp không chỉ đề cập đến việc mở ngành, xác định chỉ tiêu mà còn bàn sâu các vấn đề đào tạo sau ĐH, việc cấp văn bằng…”.

* Bộ Y tế muốn tham gia thẩm định mở ngành, điều này liệu có được áp dụng?

- Giải pháp của Bộ GD-ĐT đưa ra là không cần phải có sự tham gia về chuyên môn của Bộ Y tế để thẩm định mở ngành, để tránh sự chồng chéo. Thực hiện việc phân cấp quản lý về giáo dục theo nghị định 115 của Chính phủ, việc xác nhận các điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy được giao cho sở GD-ĐT.

Tuy nhiên, do đặc thù của ngành y tế, Bộ GD-ĐT đã đồng ý mời đại diện sở y tế các tỉnh thành tham gia đoàn kiểm tra và xác nhận các điều kiện thực tế . Đối với các ngành mới chưa có tên trong danh mục đào tạo nhưng thấy cần thiết phát triển ở Việt Nam, Bộ GD-ĐT đã đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất đào tạo thí điểm trên cơ sở kinh nghiệm đào tạo các trường ĐH trên thế giới. 

* Bộ Y tế  đề nghị Bộ GD-ĐT phải là cơ quan đứng ra khuyến cáo tình trạng dư thừa nhân lực trung cấp dược, trung cấp điều dưỡng, y sĩ, đồng thời yêu cầu Bộ GD-ĐT phải có biện pháp hạn chế tuyển sinh. Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện mong muốn này của Bộ Y tế theo cách nào?

- Dựa trên quy hoạch phát triển nhân lực, Bộ GD-ĐT có thể đưa ra khuyến cáo một cách tổng thể như đã làm đối với các ngành kinh tế, quản lý, luật trong thời gian qua. Nhưng ngành y tế là nơi sử dụng nhân lực chuyên ngành nên sẽ hiểu rất rõ về tình trạng thừa, thiếu nhân lực của ngành mình, từ đó có thể đưa ra các khuyến cáo cụ thể hơn.

Chính vì thế, trong văn bản Bộ GD-ĐT thông báo kết luận của Thứ trưởng Bùi Văn Ga gửi Bộ Y tế hơn một tháng trước đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực ngành y tế và thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để giúp người học tự chọn ngành nghề đào tạo.

Bộ GD-ĐT cũng tăng vai trò giám sát của Bộ Y tế khi quyết định yêu cầu các trường CĐ, ĐH trực thuộc Bộ Y tế phải có ý kiến về chỉ tiêu đăng ký tuyển sinh của trường mình trước khi gửi về Bộ GD-ĐT.

Ngọc Hà

Theo Tuổi Trẻ

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,286

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079