Quốc hội thông qua Nghị quyết, trong đó có nội dung cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 từ 01/7/2024 (Hình từ internet)
Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, trong đó có nội dung liên quan đến cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 từ ngày 01/7/2024.
Quốc hội yêu cầu xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2024 theo Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Rà soát, hoàn thiện chính sách tiền lương, các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo hướng mở rộng độ bao phủ và phát triển đối tượng tham gia; có giải pháp, chính sách hiệu quả để khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.
Như vậy từ 01/7/2024, cán bộ, công chức trên toàn quốc sẽ được trả lương theo vị trí việc làm.
Bộ Nội vụ đã xây dựng 6 nội dung cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 từ ngày 01/7/2024 bao gồm: Xây dựng 5 bảng lương mới; chế độ phụ cấp; chế độ tiền thưởng; chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập.
Từ năm 2025, tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tiếp tục được tăng bình quân 7% mỗi năm, đến khi mức lương thấp nhất khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng 1 khu vực doanh nghiệp (lương tối thiểu vùng 1 hiện nay là 4,68 triệu đồng/tháng).
Từ ngày 01/7/2023, khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng, thì mức lương cao nhất của công chức cũng tăng lên 14,4 triệu đồng/tháng; mức thấp nhất là 2,43 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, lương tháng tối thiểu vùng với người lao động làm việc trong doanh nghiệp ở vùng I hiện là 4,68 triệu đồng; vùng II 4,16 triệu đồng, vùng III 3,64 triệu đồng và vùng IV là 3,25 triệu đồng.
Như vậy, có thể thấy trước cải cách tiền lương thì lương thấp nhất của công chức hiện thấp hơn nhiều so với lương tối thiểu vùng của khối doanh nghiệp.
Theo Nghị quyết 27 tại thời điểm thực hiện cải cách tiền lương thì tiền lương thấp nhất công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
Và đến cuối lộ trình thì tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức sẽ bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, năm 2024, sau khi cấp có thẩm quyền thông qua lộ trình cải cách chính sách tiền lương và các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới, Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định về chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Bộ Nội vụ cũng sẽ phối hợp Ban Tổ chức Trung ương trình Ban Bí thư ban hành quyết định về chế độ tiền lương mới đối với khu vực Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Bộ Nội vụ phối hợp với Ban công tác đại biểu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.