Khi nào kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh của bác sĩ? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Từ ngày 01/01/2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 sẽ có hiệu lực thi hành.
Việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh trước khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề áp dụng đối với các chức danh bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng.
Và vệc kiểm tra này sẽ do Hội đồng Y khoa Quốc gia chủ trì tổ chức thực hiện.
(Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; có con dấu và trụ sở riêng.)
Đối với chức danh bác sỹ, Hội đồng Y khoa Quốc gia sẽ tiến hành thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh từ ngày 01 tháng 01 năm 2027.
Lưu ý:
- Người đề nghị cấp giấy phép hành nghề theo chức danh bác sỹ từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 31/12/2026 không phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề theo quy định Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.
- Người tham dự kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải chi trả chi phí kiểm tra đánh giá.
(Khoản 1, 3, 4 Điều 24; điểm a khoản 3 Điều 120 và Khoản 6 Điều 121 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023)
Được biết, người tham dự kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có văn bằng phù hợp với từng chức danh chuyên môn quy định theo quy định;
- Đã hoàn thành việc thực hành khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Điều 23 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.
(Khoản 2 Điều 24 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023)
Cá nhân được phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Có giấy phép hành nghề đang còn hiệu lực;
- Đã đăng ký hành nghề, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 36 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023;
- Đáp ứng yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 21 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023;
- Có đủ sức khỏe để hành nghề theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Không thuộc trường hợp quy định tại Điều 20 Điều 19 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.
Cá nhân được khám bệnh, chữa bệnh mà không cần đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 19 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 trong các trường hợp sau đây:
+ Học viên, sinh viên, học sinh đang học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe, người đang trong thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh để cấp giấy phép hành nghề, người đang trong thời gian chờ cấp giấy phép hành nghề và chỉ được khám bệnh, chữa bệnh dưới sự giám sát của người hành nghề;
+ Nhân viên y tế thôn, bản, cô đỡ thôn, bản hoặc nhân viên y tế làm việc tại y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức mà không thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi hoạt động và sau khi đã hoàn thành chương trình đào tạo theo nội dung chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định;
+ Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 115 Điều 19 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023;
+ Các đối tượng khác tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Chính phủ.
Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có giấy phép hành nghề do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp được khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt, hợp tác đào tạo về y khoa có thực hành khám bệnh, chữa bệnh hoặc chuyển giao kỹ thuật chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh theo quy định Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 mà không cần đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 19 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.
Người tham gia cấp cứu tại cộng đồng mà không phải là cấp cứu viên ngoại viện thì không phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.
(Điều 19 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023)