Thời hạn sử dụng Giấy chứng nhận Căn cước từ 01/7/2024 (đề xuất) (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Bộ Công an đang lấy ý kiến nhân dân dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước 2023, trong đó quy định hủy số định danh cá nhân của công dân Việt Nam.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước 2023 |
Theo khoản 1 Điều 30 Luật Căn cước 2023 quy định giấy chứng nhận căn cước được cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 06 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.
Cụ thể tại Điều 34 dự thảo Nghị định quy định thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước và thời hạn sử dụng của giấy chứng nhận căn cước như sau:
- Thời hạn cấp lần đầu giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch là không quá 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận thông tin kê khai. Trường hợp cần thiết để kiểm tra, xác minh thông tin của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch thì có thể kéo dài nhưng không quá 60 ngày.
- Thời hạn cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
- Giấy chứng nhận căn cước có thời hạn sử dụng 01 năm kể từ ngày cấp.
Như vậy, giấy chứng nhận căn cước có thời hạn sử dụng 01 năm kể từ ngày cấp.
Căn cứ theo Điều 27 dự thảo Nghị định quy định trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận căn cước như sau:
- Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đến cơ quan Công an quản lý căn cước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận căn cước nơi mình sinh sống để đề nghị cấp giấy chứng nhận căn cước.
- Người tiếp nhận yêu cầu người đề nghị cấp giấy chứng nhận căn cước điền các thông tin vào tờ khai thu nhận thông tin căn cước.
- Người tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu thông tin của người cần cấp giấy chứng nhận căn cước từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để xác định chính xác người cần cấp giấy chứng nhận căn cước; trường hợp người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì yêu cầu xuất trình các giấy tờ, tài liệu chứng minh thông tin nhân thân (nếu có).
- Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp giấy chứng nhận căn cước.
- Người cần cấp giấy chứng nhận căn cước kiểm tra, ký và ghi rõ họ tên vào tờ khai thu nhận thông tin căn cước.
- Người tiếp nhận cấp giấy hẹn trả giấy chứng nhận căn cước.
- Xử lý, phê duyệt hồ sơ cấp giấy chứng nhận căn cước.
- Trả giấy chứng nhận căn cước và kết quả giải quyết cấp giấy chứng nhận căn cước theo địa điểm ghi trong giấy hẹn; trường hợp người cần cấp giấy chứng nhận căn cước có yêu cầu trả giấy chứng nhận căn cước tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước trả giấy chứng nhận căn cước tại địa điểm theo yêu cầu và người đó phải trả phí dịch vụ chuyển phát.