Thủ tục đăng ký phương pháp tính phí sản phẩm bảo hiểm vi mô năm 2024 (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 22 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì bảo hiểm vi mô được hiểu là bảo hiểm hướng tới các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp nhằm bảo vệ họ trước những rủi ro về tính mạng, sức khỏe và tài sản.
Các đặc điểm của sản phẩm bảo hiểm vi mô theo quy định tại Điều 144 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 như sau:
- Được thiết kế ngắn gọn, dễ hiểu, có thủ tục thẩm định bảo hiểm đơn giản hoặc không cần thẩm định bảo hiểm;
- Chỉ bao gồm các quyền lợi nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ cơ bản trước các rủi ro về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người tham gia bảo hiểm với thời hạn bảo hiểm không quá 05 năm;
- Số tiền bảo hiểm trên từng hợp đồng và phí bảo hiểm hằng năm cho từng người được bảo hiểm của một hợp đồng không vượt quá mức tối đa theo quy định của Chính phủ.
Theo Điều 146 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định về tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô như sau:
- Tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô bao gồm:
+ Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam;
+ Tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
- Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, đình chỉ nội dung hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.
- Bộ Tài chính có thẩm quyền cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung và thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, đình chỉ nội dung hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.
Căn cứ khoản 2 Điều 145 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô phải đăng ký và được Bộ Tài chính chấp thuận phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm vi mô.
Theo Quyết định 217/QĐ-BTC ngày 01/02/2024 của Bộ Tài chính thì thủ tục đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí của sản phẩm bảo hiểm vi mô được quy định như sau:
Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí của sản phẩm bảo hiểm vi mô
- Tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô phải nộp Bộ Tài chính 01 bộ hồ sơ đăng ký cơ sở và phương pháp tính phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm vi mô trước khi triển khai.
- Trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận cơ sở và phương pháp tính phí bảo hiểm của tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô. Trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính có văn bản giải thích rõ lý do.
Cách thức thực hiện thủ tục đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí của sản phẩm bảo hiểm vi mô
Thủ tục đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí của sản phẩm bảo hiểm vi mô có thể nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
Thành phần, số lượng hồ sơ thủ tục đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí của sản phẩm bảo hiểm vi mô
- Thành phần hồ sơ:
+ Văn bản đề nghị đăng ký cơ sở và phương pháp tính phí bảo hiểm theo mẫu số 06 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 21/2023/NĐ-CP ngày 5/5/2023.
+ Bản tóm tắt các quyền lợi bảo hiểm và điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm dự kiến triển khai.
+ Công thức, phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm thuần, phí bảo hiểm gộp và tài liệu giải trình về cơ sở dùng để tính phí bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm vi mô dự kiến triển khai; nguyên tắc tăng, giảm phí bảo hiểm (nếu có). Các tài liệu này phải có xác nhận của Chuyên gia tính toán bảo hiểm vi mô.
- Số lượng hồ sơ: 01 bộ
Thời hạn giải quyết của thủ tục đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí của sản phẩm bảo hiểm vi mô
Thời hạn giải quyết của thủ tục đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí của sản phẩm bảo hiểm vi mô là 14 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ.
Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính
Đối tượng thực hiện thủ tục đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí của sản phẩm bảo hiểm vi mô là: Tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô.
Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính
Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) là cơ quan thực hiện thủ tục đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí của sản phẩm bảo hiểm vi mô.
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính
Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận. Trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính có văn bản giải thích rõ lý do.
Phí, lệ phí của thủ tục đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí của sản phẩm bảo hiểm vi mô
Hiện nay, theo Quyết định 217/QĐ-BTC thì thủ tục đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí của sản phẩm bảo hiểm vi mô không thu phí, lệ phí.
Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính thủ tục đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí của sản phẩm bảo hiểm vi mô
Văn bản đề nghị đăng ký cơ sở và phương pháp tính phí bảo hiểm theo mẫu số 06 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 21/2023/NĐ-CP ngày 5/5/2023
Yêu cầu, điều kiện của thủ tục đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí của sản phẩm bảo hiểm vi mô
- Số tiền bảo hiểm của từng hợp đồng bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm vi mô bảo vệ các rủi ro về tính mạng và sức khỏe không vượt quá 05 lần thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị theo quy định của Chính phủ tại thời điểm triển khai sản phẩm (quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 21/2023/NĐ-CP ngày 5/5/2023).
- Số tiền bảo hiểm của từng hợp đồng bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm vi mô bảo vệ các rủi ro về tài sản không vượt quá giá trị thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm tham gia bảo hiểm và không vượt quá 05 lần thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị theo quy định của Chính phủ tại thời điểm triển khai sản phẩm (quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 21/2023/NĐ-CP ngày 5/5/2023).
- Phí bảo hiểm năm của từng hợp đồng bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm vi mô không vượt quá 5% thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị theo quy định của Chính phủ tại thời điểm triển khai sản phẩm. Phí bảo hiểm phải tương ứng với quyền lợi bảo hiểm (quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 21/2023/NĐ-CP ngày 5/5/2023).
Đoàn Đức Tài