Từ 01/7/2024, tiền lương tính đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa 99,2 triệu đồng/tháng (Hình từ internet)
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã công bố Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.
Theo nội dung của Dự thảo Nghị định, mức lương tối tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng được quy định như sau:
Đơn vị tính: đồng/tháng
Vùng |
Mức lương tối thiểu tháng |
Mức lương tối thiểu giờ |
Vùng I |
4.960.000 |
23.800 |
Vùng II |
4.410.000 |
21.200 |
Vùng III |
3.860.000 |
18.600 |
Vùng IV |
3.450.000 |
16.600 |
*Tăng 6% so với mức lương tối thiểu vùng hiện nay
Mức tính hiện nay theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP, mức lương tối thiểu tháng, mức lương tối thiểu giờ được quy định lần lượt như sau:
Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng; 22.500 đồng/giờ;
Vùng II: 4.160.000 đồng/tháng; 20.000 đồng/giờ;
Vùng III: 3.640.000 đồng/tháng; 17.500 đồng/giờ;
Vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng; 15.600 đồng/giờ.
Quy định về mức tối đa đóng bảo hiểm thất nghiệp
Tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp theo Luật Việc Làm 2013 được chia thành 02 loại với điểm chung đều là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tuy nhiên có sự khác nhau về mức đóng tối đa, cụ thể như sau:
- Đối với nhóm người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định: mức đóng tối đa cho trường hợp mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn hai mươi tháng lương cơ sở là bằng hai mươi tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.
- Đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định: mức đóng tối đa mức cho trường hợp mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn hai mươi tháng lương tối thiểu vùng là bằng hai mươi tháng lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Đơn cử, đối với người lao động thuộc vùng I (với mức lương tối thiểu vùng dự kiến là 4.960.000 đồng/tháng) thì mức lương đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa trong một tháng có thể lên tới 99,2 triệu đồng.
Như vậy, từ ngày 01/7/2024, tiền lương tính đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa là 99,2 triệu đồng.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm 2013, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:
- Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng;
- Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
- Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
Tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp
Do tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp cũng là tiền lương đóng bảo hiểm xã hội, cho nên tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được xác định theo quy định tại Điều 89 Luật bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 6, Điều 15 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017, cụ thể:
Nhóm người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định:
- Tiền lương tháng là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương này tính trên mức lương cơ sở.
- Tiền lương tháng đóng bao gồm cả hệ số chênh lệch bảo lưu theo quy định của pháp luật về tiền lương.
(Khoản 1 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017)
Nhóm người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định:
- Mức lương, ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.
- Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
- Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
(Khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017)
Trương Quang Vĩnh