Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần trong các tổ chức tín dụng từ ngày 01/07/2024 (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Điều 63 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024) quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần như sau:
(1) Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 05% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
(2) Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
(3) Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 05% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác.
(4) Quy định tại khoản (2) và khoản (3) không áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
- Sở hữu cổ phần tại công ty con, công ty liên kết là tổ chức tín dụng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 111 Luật Các tổ chức tín dụng 2024;
- Sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa;
- Sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản (7)
(5) Tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại khoản (1) và khoản (2) bao gồm cả số cổ phần sở hữu gián tiếp. Tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại khoản (3) bao gồm cả cổ phần do cổ đông ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần và không bao gồm sở hữu cổ phần của người có liên quan là công ty con của cổ đông đó theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
(6) Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày tổ chức tín dụng được cấp Giấy phép, các cổ đông sáng lập phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; các cổ đông sáng lập là pháp nhân phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% tổng số cổ phần do các cổ đông sáng lập nắm giữ.
(7) Nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Chính phủ quy định tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư đó tại một tổ chức tín dụng Việt Nam; điều kiện, thủ tục nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam; điều kiện đối với tổ chức tín dụng Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo quy định cũ, tại Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau: - Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. - Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trừ các trường hợp sau đây: + Sở hữu cổ phần tại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt; sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng tại công ty con, công ty liên kết quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 103, khoản 3 Điều 110 Luật các tổ chức tín dụng 2010; + Sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa; + Sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật các tổ chức tín dụng 2010. - Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng 2010. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác. - Tỷ lệ sở hữu quy định tại các nêu trên bao gồm cả phần vốn ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần. - Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày được cấp Giấy phép, các cổ đông sáng lập phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; các cổ đông sáng lập là pháp nhân phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% tổng số cổ phần do các cổ đông sáng lập nắm giữ. |
Như vậy, theo quy định mới, sẽ giảm tỷ lệ cổ phần trong các tổ chức tín dụng theo quy định nêu trên.