Căn cứ để tiến hành xác minh hành vi vi phạm hành chính xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp từ ngày 01/7/2024

09/05/2024 16:18 PM

Xin hỏi căn cứ để tiến hành xác minh hành vi vi phạm hành chính xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là gì? - Mỹ Lệ (TPHCM)

Căn cứ để tiến hành xác minh hành vi vi phạm hành chính xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp từ ngày 01/7/2024

Căn cứ để tiến hành xác minh hành vi vi phạm hành chính xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp từ ngày 01/7/2024 (Hình ảnh từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 04/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 46/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Nghị định 126/2021/NĐ-CP.

Căn cứ để tiến hành xác minh hành vi vi phạm hành chính xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp từ ngày 01/7/2024 

Theo khoản 17 Điều 1 Nghị định 46/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 22 Nghị định 99/2013/NĐ-CP thì căn cứ để tiến hành xác minh hành vi vi phạm hành chính xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp như sau:

- Việc xác minh để xác định hành vi vi phạm hành chính xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được tiến hành khi có một trong các căn cứ sau đây:

+ Yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp;

+ Kết quả kiểm tra, thanh tra của cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính;

+ Kiến nghị của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp gây ra;

+ Thông tin được cung cấp bởi các cá nhân, tổ chức phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội, hành vi vi phạm liên quan đến hàng hóa, tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo.

- Các chủ thể quyền sở hữu công nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Nghị định 99/2013/NĐ-CP bao gồm:

+ Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp bị thiệt hại do hành vi xâm phạm bao gồm cả tổ chức được trao thẩm quyền quản lý chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam;

+ Người có quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp bị thiệt hại do hành vi xâm phạm, nếu không bị chủ sở hữu công nghiệp hạn chế quyền yêu cầu xử lý xâm phạm.

- Cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm nêu tại điểm b khoản 1 Điều 22 Nghị định 99/2013/NĐ-CP có trách nhiệm chủ động kiểm tra, thanh tra, phát hiện và phối hợp với chủ thể quyền sở hữu công nghiệp xác minh hành vi vi phạm hành chính liên quan đến các đối tượng sau đây:

+ Hàng hóa, tem, nhãn, bao bì, vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo;

+ Hàng hóa, dịch vụ vi phạm liên quan đến lương thực, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng, phương tiện giao thông, hóa chất dùng trong y tế, nông nghiệp, môi trường và những mặt hàng khác do người có thẩm quyền xác định theo nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất.

Hiện hành, theo Điều 22 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định về quyền yêu cầu xử lý vi phạm và thẩm quyền chủ động phát hiện, xử lý vi phạm như sau:

- Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có quyền yêu cầu xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp bao gồm:

+ Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp bị thiệt hại do hành vi vi phạm bao gồm cả tổ chức được trao thẩm quyền quản lý chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam;

+ Người có quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp bị thiệt hại do hành vi vi phạm, nếu không bị chủ sở hữu công nghiệp hạn chế quyền yêu cầu xử lý vi phạm.

Khi thực hiện yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2009) và hành vi cạnh tranh không lành mạnh quy định tại Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 99/2013/NĐ-CP phải nêu rõ tính chất, mức độ vi phạm trong đơn yêu cầu xử lý vi phạm và cung cấp các tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định 99/2013/NĐ-CP .

- Tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội, hành vi vi phạm liên quan đến hàng hóa, tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo; tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp gây ra có quyền thông báo và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành thủ tục xác minh, xử phạt vi phạm.

Khi nhận được thông báo của tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 99/2013/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm có trách nhiệm kiểm tra và phối hợp với chủ thể quyền sở hữu công nghiệp xác minh, xử lý vi phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Nghị định 99/2013/NĐ-CP.

- Cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm có trách nhiệm chủ động kiểm tra, thanh tra, phát hiện và phối hợp với chủ thể quyền sở hữu công nghiệp xác minh, xử lý vi phạm liên quan đến các đối tượng sau đây:

+ Hàng hóa, tem, nhãn, bao bì, vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo;

+ Hàng hóa, dịch vụ vi phạm liên quan đến lương thực, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng, phương tiện giao thông, hóa chất dùng trong y tế, nông nghiệp, môi trường và những mặt hàng khác do người có thẩm quyền xác định theo nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất.

Xem thêm Nghị định 46/2024/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024.

Tô Quốc Trình

Chia sẻ bài viết lên facebook 890

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079