Nhiệm vụ chủ yếu phát triển kinh tế xã hội năm 2025 (Hình từ internet)
Theo Chỉ thị 17/CT-TTg năm 2024, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nghiên cứu, đề xuất các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2025 bảo đảm thống nhất với mục tiêu chung, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tiễn và trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương và những định hướng lớn, gồm:
- Tiếp tục nắm chắc tình hình, chủ động phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; điều hành đồng bộ, thống nhất các chính sách vĩ mô, phối hợp chặt chẽ, kết hợp hài hòa giữa các chính sách tiền tệ, tài khóa, đầu tư, thương mại và các chính sách khác để thực hiện nhất quán mục tiêu xuyên suốt là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
- Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển đồng bộ các loại thị trường; đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện, rà soát chính sách pháp luật để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Quán triệt và thể chế hóa kịp thời, chính xác, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; quán triệt, tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật; kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, hạn chế cơ bản và tiến tới chấm dứt tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết.
- Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế. Tiếp tục cơ cấu lại 03 lĩnh vực trọng tâm về đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng. Cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả. Tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 19- NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Quyết định 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 về Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định 255/QĐ-TTg ngày 25/2/2021 về Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.
- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng, hạ tầng đô thị lớn, cảng biển và sân bay. Tập trung triển khai hiệu quả Kết luận 72-KL/TW ngày 23/02/2024 của Bộ Chính trị về huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực, ưu tiên ngân sách cho phát triển hạ tầng; đẩy mạnh phát triển các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư. Tiếp tục phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng thương mại điện tử, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu... Hình thành một số trung tâm dịch vụ du lịch với sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh tầm khu vực. Phát triển kinh tế biển, từng bước hình thành khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển.
- Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, nhất là trong các ngành công nghệ cao, công nghệ chíp bán dẫn...; tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục đào tạo; nâng cao chất lượng giáo dục đại học; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập; bảo đảm công bằng, bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục của người dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục. Triển khai đồng bộ, hiệu quả quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, chủ trọng đào tạo nhân lực các ngành, lĩnh vực trọng điểm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ và các ngành mới như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, chip bán dẫn,... có tiềm năng, lợi thế, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
- Hoàn thiện, xây dựng bộ máy tỉnh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, tập trung xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi cấp dưới gắn với trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường giám sát, kiểm tra. Khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức. Đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thực hiện nghiêm Quy định 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
- Phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của Nhân dân. Phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển KTXH. Tích cực triển khai Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động mất việc làm và doanh nghiệp gặp khó khăn. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, phúc lợi xã hội, giảm nghèo bền vững, chính sách an sinh xã hội, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, chính sách dân tộc, tôn giáo, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đẩy mạnh việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
- Tập trung phát triển lĩnh vực văn hóa. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Phê duyệt và triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Nâng cao chất lượng các loại hình văn hóa, văn học nghệ thuật; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng trọng tâm, trọng điểm gắn với phát triển du lịch. Đẩy mạnh việc phát triển du lịch gắn với các đô thị, khu sinh thái, du lịch văn hóa, cộng đồng. Tiếp tục xây dựng, triển khai hệ giá trị quốc gia văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới. Đẩy mạnh phát triển thể thao quần chúng, tập trung phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao.
- Tăng cường phòng chống thiên tai, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, giảm thiểu tác động tiêu cực của hạn hán, xâm nhập mặn. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án điều tiết, bảo đảm đủ nước cho sản xuất nông nghiệp. Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
- Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
- Tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ trọng triển khai công tác ngoại giao kinh tế nhằm thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển KTXH, củng cố môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi để phát triển đất nước. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông chính sách, tạo đồng thuận xã hội.
Xem thêm nội dung tại Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 22/5/2024.
Nguyễn Hữu Hiệp