Đề xuất thêm nhiều trường hợp hưởng chế độ ốm đau

03/06/2024 16:00 PM

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất thêm nhiều trường hợp hưởng chế độ ốm đau và không được hưởng chế độ này.

Đề xuất thêm nhiều trường hợp hưởng chế độ ốm đau

Đề xuất thêm nhiều trường hợp hưởng chế độ ốm đau (Hình từ internet)

Đề xuất thêm nhiều trường hợp hưởng chế độ ốm đau

Cụ thể, theo Điều 43 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) về điều kiện được hưởng chế độ ốm đau như sau:

- Người lao động được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác nhận thời gian điều trị phải nghỉ việc và thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Mắc bệnh mà không phải bệnh nghề nghiệp;

+ Bị tai nạn mà không phải là tai nạn lao động;

+ Bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

+ Điều trị, phục hồi chức năng lao động khi thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc do bị tai nạn quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi);

+ Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật.

- Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Như vậy, có thể thấy so với quy định hiện hành tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về điều kiện hưởng chế độ ốm đau thì Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung thêm các trường hợp như bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; Điều trị, phục hồi chức năng lao động khi thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc do bị tai nạn quy định điểm c khoản 1 Điều 43 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật.

Hiện hành, tại Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ ốm đau gồm:

- Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

- Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.

- Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

Đồng thời, tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 115/2015/NĐ-CP có quy định  gười lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị định 115/2015/NĐ-CP được hưởng chế độ ốm đau trong các trường hợp sau:

- Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

- Người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

- Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 115/2015/NĐ-CP.

Đề xuất các trường hợp không được hưởng chế độ ốm đau

Tại khoản 3 Điều 43 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng đã đề xuất quy định các trường hợp không được hưởng chế độ ốm đau như sau:

- Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

- Sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định, trừ trường hợp sử dụng thuốc tiền chất hoặc thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất theo chỉ định của người hành nghề trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

- Trong thời gian lần đầu phải nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Thời gian người lao động phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 43 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trùng với thời gian đang nghỉ hằng năm, nghỉ hằng tuần, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương, ngừng việc theo quy định của pháp luật lao động hoặc đang nghỉ việc hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật chuyên ngành khác hoặc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Hiện nay, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định không giải quyết chế độ ốm đau cho các trường hợp sau:

- Người lao động bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 và Nghị định 126/2015/NĐ-CP ngày 09/12/2015 sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013.

- Người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

- Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Lê Nguyễn Anh Hào

Chia sẻ bài viết lên facebook 496

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079