Bộ Y tế hướng dẫn triển khai thực hiện quy định về Cô đỡ thôn, bản (Hình từ internet)
Ngày 12/6/2024, Bộ Y tế có Công văn 3217/BYT-BMTE về việc phản hồi ý kiến của các tỉnh về triển khai thực hiện Thông tư 27/2023/TT-BYT.
Bộ Y tế hướng dẫn triển khai thực hiện quy định về Cô đỡ thôn, bản
Cụ thể, ngày 29/12/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 27/2023/TT-BYT Quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với Nhân viên y tế thôn, bản; Cô đỡ thôn, bản (gọi tắt là Thông tư số 27). Trong thời gian vừa qua, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế nhận được công văn đề nghị của tỉnh Kon Tum, Thái Nguyên và ý kiến của một số tỉnh trong Hội thảo phổ biến triển khai thực hiện Thông tư số 27 tại Hà Nội, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em có ý kiến như sau:
(1) Về đề nghị làm rõ thôn, bản còn khó khăn về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em để bố trí 01 Cô đỡ thôn, bản:
Tại điểm b, khoản 2, Điều 1, Thông tư số 27 quy định về đối tượng áp dụng:“Nhân viên y tế thôn bản làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo (sau đây gọi là Cô đỡ thôn, bản)” và điểm c, khoản 2, Điều 7 quy định trách nhiệm của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: “Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu, trình cơ quan có thẩm quyền của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định danh sách những thôn, bản đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo còn khó khăn về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em để bố trí 01 Cô đỡ thôn, bản”.
- Như vậy, tại điểm b, điểm c nêu trên đã quy định rõ đối tượng áp dụng để bố trí 01 cô đỡ thôn bản là thôn, bản thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được quy định tại một số văn bản:
+ Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025;
+ Quyết định 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc Phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025;
+ Quyết định 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025.
- Một trong các chỉ số đánh giá địa bàn còn khó khăn về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em (so với mặt bằng chung của tỉnh) gồm: Tỷ lệ phụ nữ có thai đẻ tại cơ sở y tế; Tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai ít nhất 04 lần/thai kỳ; Tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tại nhà trong tuần đầu sau đẻ; Tỉ số tử vong mẹ; Tỷ suất tử vong trẻ sơ sinh.
(2) Về đề nghị giao cho Sở Y tế xây dựng quy trình, thủ tục tuyển chọn Cô đỡ thôn, bản:
Tại Điểm c, Khoản 2, Điều 7, Thông tư số 27 đã quy định trách nhiệm của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương “Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu, trình cơ quan có thẩm quyền của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định danh sách những thôn, bản đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo còn khó khăn về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em để bố trí 01 Cô đỡ thôn, bản”.
Như vậy căn cứ vào tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ của Cô đỡ thôn, bản để các địa phương bố trí, tuyển chọn Cô đỡ thôn, bản. Việc xây dựng quy trình, thủ tục tuyển chọn Cô đỡ thôn, bản (nếu cần), do địa phương (Sở Y tế hoặc cơ quan khác được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao nhiệm vụ) chủ động tổ chức thực hiện theo các quy định hiện hành của địa phương.
(3) Về đề nghị trung ương hỗ trợ kinh phí đào tạo, tập huấn cho Nhân viên y tế thôn, bản, Cô đỡ thôn, bản:
Trước hết, địa phương chủ động bố trí kinh phí địa phương, lồng ghép sử dụng kinh phí từ các Chương trình, Dự án và các nguồn kinh phí tài trợ, huy động hợp pháp khác để đào tạo, tập huấn; Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em cũng sẽ vận động, huy động để hỗ trợ các địa phương (nếu có).
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tham mưu, trình cơ quan có thẩm quyền của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí kinh phí địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để tổ chức triển khai thực hiện Thông tư số 27 đảm bảo đúng quy định và hiệu quả.