Từ 01/7/2024, tăng mạnh 10 khoản trợ cấp BHXH theo mức lương cơ sở mới

27/06/2024 09:37 AM

Bộ Chính trị đã có Kết luận về cải cách tiền lương, trong đó thực hiện tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng kể từ ngày 01/7/2024. Theo đó, 10 khoản trợ cấp BHXH sẽ tăng mạnh.

Từ 01/7/2024, tăng mạnh 10 khoản trợ cấp BHXH theo mức lương cơ sở mới (HÌnh từ internet)

Tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng từ 01/7/2024

Ngày 21/6/2024, Ban chấp hành Trung ương ban hành Kết luận 83-KL/TW về cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024.

Theo đó, việc triển khai thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập nên cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện; đồng thời, phải sửa đổi, bổ sung rất nhiều các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để trình Trung ương xem xét, điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 27-NQ/TW cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Từ tình hình trên và căn cứ Nghị quyết 27-NQ/TW, Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương khu vực công theo lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, khả thi.

Trong đó, sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) kể từ ngày 01/7/2024.

Từ 01/7/2024, tăng mạnh 10 khoản trợ cấp BHXH theo mức lương cơ sở mới

Theo đó, từ 01/7/2024, khi lương cơ sở tăng sẽ kéo theo nhiều khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội có công thức tính dựa trên lương cơ sở cũng tăng theo. Cụ thể: 

(1) Trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau

Khoản 1 Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

Người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định tại Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày trong một năm.

Thời gian nghỉ này bao gồm cả ngày lễ, Tết và nghỉ hàng tuần.

Người lao động khi nghỉ dưỡng sức không được doanh nghiệp trả nhưng sẽ được cơ quan BHXH thanh toán tiền chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Mức trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau/ngày = 30% x Mức lương cơ sở

Mức trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau năm 2024 như như sau:

Trước 1/7/2024

Từ 1/7/2024

540.000 đồng/ngày

702.000 đồng/ngày

(2) Trợ cấp 1 lần khi sinh con 

Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

Trợ cấp một lần khi sinh con được tính với công thức:

Trợ cấp 1 lần/con = 2 x Mức lương cơ sở

(Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)

Như vậy, trợ cấp một lần khi sinh con năm 2024 như sau:

Trước 1/7/2024

Từ 1/7/2024

3.600.000 đồng/con

4.680.000 đồng/con

(3) Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản

Khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014

- Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.

Thời gian này bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Nếu có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.

Thời gian nghỉ dưỡng sức sau thai sản, người lao động không được doanh nghiệp trả lương nhưng được cơ quan BHXH thanh toán tiền chế độ trợ cấp BHXH.

Và trợ cấp này được tính theo công thức: 

Mức trợ cấp dưỡng sức sau thai sản/ngày = 30% x Mức lương cơ sở.

Như vậy, mức hưởng chế độ dưỡng sức sau thai sản của người lao động năm 2024 như sau:

Trước 1/7/2024

Từ 1/7/2024

540.000 đồng/ngày

702.000 đồng/ngày

(4) Trợ cấp mai táng

Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thân nhân sẽ được trợ cấp mai táng khi người lao động chết thuộc một trong các trường hợp: Đang tham gia BHXH, đang bảo lưu quá trình đóng BHXH, đang hưởng lương hưu, đang hưởng trợ cấp cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng hay chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Công thức tính trợ cấp mai táng như sau:

Trợ cấp mai táng = 10 x Mức lương cơ sở

Trợ cấp mai táng năm 2024 như sau:

Trước 1/7/2024

Từ 1/7/2024

18.000.000 đồng/ngày

 23.400.000 đồng/ngày


Khi lương cơ sở tăng, khoản tiền trợ cấp mai táng cũng tăng từ 18 triệu đồng lên 23,4 triệu đồng.

(5) Trợ cấp tuất hằng tháng

Căn cứ theo Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức trợ cấp tuất hằng tháng chi trả cho thân nhân người lao động như sau:

Thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng

Trợ cấp tuất hằng tháng = 70% x Mức lương cơ sở

Trường hợp còn lại

Trợ cấp tuất hằng tháng = 50% x Mức lương cơ sở

Mức trợ cấp tuất hằng tháng năm 2024 như sau:

Trường hợp

Trước 1/7/2024

Từ 1/7/2024

Thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng

1.260.000 đồng

1.638.000 đồng

Trường hợp còn lại

900.000 đồng

1.170.000 đồng

(6) Trợ cấp 1 lần khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Căn cứ Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì được nhận trợ cấp 1 lần.

Một phần của khoản trợ cấp này sẽ được tính theo mức độ suy giảm khả năng lao động và mức lương cơ sở tại thời điểm chi trả. Cụ thể:

Trợ cấp = 5 x Mức lương cơ sở + (Tỷ lệ % suy giảm lao động - 5) x 0,5 x Mức lương cơ sở

Khi lương cơ sở được tăng, mức trợ cấp 1 lần tính theo mức độ suy giảm lao động cũng sẽ tăng theo.

(7) Trợ cấp hằng tháng khi bị suy giảm khả năng lao động

Theo Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do tai nạn lao động,  bệnh nghề nghiệp thì được nhận trợ cấp hằng tháng.

Một phần của khoản trợ cấp này sẽ được tính theo mức độ suy giảm khả năng lao động và mức lương cơ sở tại thời điểm chi trả. Cụ thể:

Trợ cấp/tháng = 30% x Mức lương cơ sở + (Tỷ lệ % suy giảm lao động - 31) x 2% x Mức lương cơ sở

Khi tăng lương cơ sở, mức trợ cấp hằng tháng tính theo mức độ suy giảm lao động cũng sẽ tăng theo.

(8) Trợ cấp phục vụ cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo Điều 52 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sẽ được trợ cấp phục vụ hằng tháng nếu có thêm một trong các điều kiện sau:

- Bị liệt cột sống

- Mù hai mắt.

- Cụt, liệt hai chi.

- Bị bệnh tâm thần.

Trợ cấp phục vụ/tháng = Mức lương cơ sở

Trợ cấp phục vụ cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2024 như sau:

Trước 1/7/2024

Từ 1/7/2024

1.800.000 đồng

2.340.000 đồng

(9) Trợ cấp 1 lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Điều 53 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định, người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân sẽ được thanh toán trợ cấp 1 lần:

Trợ cấp 1 lần = 36 x Mức lương cơ sở

Do đó, mức trợ cấp này năm 2024 như sau:

Trước 1/7/2024

Từ 1/7/2024

64.800.000 đồng

84.240.000 đồng

(10) Mức dưỡng sức sau điều trị

Theo Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà trong thời gian 30 ngày đầu mà sức khỏe chưa phục hồi thì người lao động được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Mức trợ cấp dưỡng sức sau điều trị/ngày = 30% x Mức lương cơ sở

Theo đó, mức dưỡng sức sau điều trị năm 2024 như sau:

Trước 1/7/2024

Từ 1/7/2024

540.000 đồng/ngày

702.000 đồng/ngày

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 16,380

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079