Nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật Viên chức (sửa đổi) trước năm 2026 (Hình từ Internet)
Chính phủ ban hành Nghị quyết 98/NQ-CP ngày 26/6/2024 về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW năm 2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sau đây gọi tắt là Chương trình).
Theo đó, tại nội dung về phân công trách nhiệm trong việc tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Chương trình được đề ra như sau:
- Bộ Tài chính:
+ Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013 (thời hạn trước năm 2025).
+ Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
+ Rà soát, nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước 2015 và các văn bản pháp luật liên quan phù hợp với thực tiễn theo hướng đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách, cơ bản khắc phục tình trạng lồng ghép trong quản lý ngân sách nhà nước, tăng vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; đẩy mạnh phân cấp, khuyến khích các địa phương sáng tạo, tăng thu, huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tạo sự chủ động và tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương trong việc quyết định, sử dụng ngân sách. Nghiên cứu, đổi mới việc phân bổ chi thường xuyên nguồn ngân sách nhà nước theo kết quả đầu ra khi sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước 2015.
- Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi địa bàn, lĩnh vực được giao chủ trì thực hiện rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật trong các lĩnh vực có liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, chế độ chi tiêu công, trong đó:
+ Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các địa phương rà soát, nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi); Luật Viên chức (sửa đổi) (trước năm 2026).
+ Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai, tài nguyên, tập trung vào việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Tài nguyên nước 2023, Luật Đất đai 2024; hoàn thiện dự án Luật Địa chất và khoáng sản để trình Quốc hội.
+ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, có liên quan:
Tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu 2023.
Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công; cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, nhất là phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả; giải quyết những vướng mắc trong quy trình quản lý đầu tư. Nghiên cứu phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn vốn ngân sách nhà nước 3-5 năm theo hình thức cuốn chiếu theo thông lệ quốc tế khi sửa đổi Luật Đầu tư công 2019.
Nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá lĩnh vực chuyên ngành để làm căn cứ phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án.
+ Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thiện các quy định về đấu giá tài sản, tập trung vào hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đảm bảo quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản theo hướng chặt chẽ, minh bạch hơn, trình Quốc hội.
Xem thêm tại Nghị quyết 98/NQ-CP có hiệu lực từ ngày 26/6/2024.